chục dự án. Chỉ đến những năm gần đây Roy Baumeister và nhóm nghiên
cứu của ông ở Đại học bang Florida mới làm sáng tỏ được hiện tượng này.
Ông chọn các sinh viên chỉ còn vài tháng nữa là phải thi kỳ cuối và chia họ
ra làm ba nhóm. Nhóm 1 phải tập trung vào một bữa tiệc trong học kỳ họ
đang học. Nhóm 2 phải tập trung vào kỳ thi của họ. Nhóm 3 phải tập trung
vào kỳ thi đồng thời phải lập ra một kế hoạch học tập chi tiết. Sau đó
Baumeister yêu cầu các sinh viên hoàn thành các từ còn thiếu chữ trong một
khoảng thời gian ngắn. Một số sinh viên trông thấy từ “pa_ _ _” liền điền
ngay thành “panic” (hoảng hốt), trong khi các sinh viên khác nghĩ đến
“party” (tiệc tùng) hoặc “Paris”. Đây là một phương pháp thông minh để tìm
ra điều gì đang diễn ra trong đầu họ. Đúng như họ dự kiến, nhóm 1 có suy
nghĩ thoải mái về kỳ thi sắp tới, trong khi sinh viên nhóm 2 không thể nào
nghĩ về điều gì khác. Đáng kinh ngạc nhất là kết quả của nhóm 3. Mặc dù
các sinh viên này buộc phải tập trung vào kỳ thi sắp tới, họ vẫn giữ được đầu
óc sáng suốt và không hề lo lắng. Các thí nghiệm về sau càng củng cố thêm
hiện tượng này. Những nhiệm vụ tồn đọng sẽ còn làm chúng ta phiền lòng
mãi cho đến khi chúng ta biết rõ mình sẽ giải quyết chúng như thế nào.
Zeigarnik nhầm tưởng rằng cần phải hoàn thành nhiệm vụ để loại bỏ chúng
khỏi bộ nhớ. Thế nhưng không phải vậy; chỉ cần có kế hoạch hành động tốt
là đủ rồi.
David Allen, tác giả của một cuốn sách bán chạy có tiêu đề Hoàn thành
nhiệm vụ, lý luận rằng ông chỉ có một mục tiêu: giữ cho đầu óc sáng suốt.
Để làm được điều này, bạn không nhất thiết phải sắp xếp cuộc sống của
mình một cách gọn gàng ngăn nắp. Thế nhưng bạn cần có một kế hoạch chi
tiết cho những vấn đề rối rắm hơn thế. Kế hoạch này phải được chia thành
các phần việc được tiến hành từng bước và tốt nhất là bạn nên viết chúng ra
giấy. Chỉ khi bạn đã hoàn thành công việc, trí óc của bạn mới có thể thảnh
thơi. Tính từ “chi tiết” đóng vai trò quan trọng. Mục tiêu “tổ chức tiệc mừng
sinh nhật cho vợ” hay “tìm một công việc mới” là vô giá trị. Allen yêu cầu
các khách hàng của mình chia nhỏ các mục tiêu như vậy ra thành hai mươi
đến năm mươi phần việc riêng lẻ.