lại tính trung bình. Riêng việc đang sở hữu một món đồ đã khiến chúng ta
thêm vào các số không ở bảng giá.
Hiệu ứng sở hữu biểu hiện rõ rệt trong lĩnh vực nhà đất. Những người bán
nhà trở nên gắn bó với ngôi nhà của họ và do đó luôn đánh giá quá cao giá
trị của chúng. Họ chê giá thị trường và trông đợi người mua trả cao hơn -
điều hoàn toàn ngớ ngẩn vì phần chênh lệch này chính là giá trị tình cảm.
Richard Thaler đã tiến hành một thí nghiệm thú vị trong lớp học tại Đại
học Cornell để đo lường hiệu ứng sở hữu. Ông phân phát những cốc cà phê
cho một nửa số sinh viên và bảo họ hoặc là mang chúng về nhà, hoặc bán đi
với mức giá họ tự định ra. Rồi lại hỏi một nửa số sinh viên không được phát
cốc xem họ sẵn sàng trả bao nhiêu tiền cho một chiếc cốc. Nói cách khác,
Thaler lập ra một phiên chợ bán những cốc cà phê. Người ta sẽ nghĩ rằng có
khoảng 50% số sinh viên sẽ sẵn sàng tham gia phiên chợ - dù là bán hay
mua một chiếc cốc. Thế nhưng kết quả thấp hơn như vậy nhiều. Vì sao? Vì
trung bình thì người sở hữu sẽ không chịu bán dưới mức 5,25 đô la, còn
người mua sẽ không trả hơn 2,25 đô la cho một cốc.
Có thể kết luận rằng chúng ta giỏi thu thập các thứ hơn là vứt bỏ chúng.
Điều này không chỉ giải thích vì sao chúng ta chất đầy nhà các thứ lỉnh kỉnh,
mà còn giải thích vì sao những người yêu tem, đồng hồ và các tác phẩm
nghệ thuật hiếm khi từ bỏ bộ sưu tập của họ.
Điều đáng ngạc nhiên là, hiệu ứng sở hữu không chỉ tác động đến cảm
giác sở hữu mà còn đến cảm giác sắp được sở hữu. Những hãng đấu giá như
Christie’s và Sotheby’s cũng nhờ đó mà phát đạt. Một người đấu giá cho đến
cuối buổi sẽ có cảm giác rằng vật đấu giá đã thuộc về họ rồi, vì thế nâng cao
giá trị của nó lên. Người sở hữu tiềm năng đó bỗng nhiên lại sẵn lòng trả
nhiều hơn mức họ đã dự kiến, và bất kỳ sự rút lui nào khỏi cuộc đấu giá
được coi là một sự mất mát - vốn hoàn toàn phi logic. Trong những buổi đấu
giá lớn, chẳng hạn như đấu giá quyền khai mỏ hoặc tần số phát sóng di
động, chúng ta thường quan sát thấy hiện tượng lời nguyền kẻ chiến thắng:
trong trường hợp này, người đấu giá thành công trở thành người chịu thiệt