Khác với các họa sĩ tiền bối, Monet không quan tâm đến hình học của các
hình dạng nhiều bằng sự hòa trộn của các mảng màu sắc. Cố gắng chộp bắt
được các “ấn tượng” của mình, Monet đã xóa nhòa đường viền của các vật thể,
và cái đường thẳng lờ mờ của ông đã không còn là một đường rạch ròi đóng
khung màu sắc của một vật thể nữa.
Với những tác phẩm thiên về màu sắc ấy, không có gì là ngạc nhiên khi
Monet được nhớ đến nhất vì những đóng góp của ông trong lĩnh vực ánh sáng.
Bằng việc cố gắng chộp bắt được bản chất của ánh sáng en plein air (ngoài
trời) thay cho việc tái tạo nó trong bốn bức tường xưởng vẽ, Monet đã làm
ngời lên vẻ tươi sáng vốn có trong màu sắc của mọi vật hàng ngày cho đến khi
những hình dạng đặc thù của chúng trong các bố cục của ông trở nên không
quan trọng bằng màu sắc của chúng nữa.
Monet đã có lần nói ông ước rằng mình sinh ra bị mù rồi sau này nhìn thấy
được. Bằng cách ấy ông có thể nhìn thế giới mà không cần biết các vật thể phải
như thế nào, để ông có thể đánh giá được sâu sắc hơn về màu sắc của chúng.
Như tôi đã đề cập tới trong phần trước của cuốn sách, người Hi Lạp cổ đại đã
dùng cùng một từ để chỉ “con mắt” và “ánh sáng”. Cũng cùng một mạch suy
nghĩ này Paul Cézanne đã nhận xét: “Monet chẳng qua chỉ là một con mắt -
nhưng ôi, con mắt ấy mới tuyệt vời làm sao!” Monet cho rằng màu sắc, tức là
ánh sáng, phải được nâng lên ngôi vị ngai vàng của nghệ thuật.
Paul Cézanne, danh họa bậc thầy thứ ba của kỉ nguyên hiện đại đã bỏ ra cả
đời mình để nghiên cứu mối quan hệ giữa không gian, ánh sáng và vật chất. Để
xem xét các thành tố này một cách độc lập, ông đã có quan điểm ngược hẳn lại
với Monet, khi thấy rằng có thể bỏ được biến số thời gian. Cézanne đã nói về
tác phẩm của mình như sau:
“Một phút trong Cuộc đời của thế giới này đã
trôi qua! Hãy vẽ nó trong cái thực tại của nó và
quên đi mọi cái vì nó! Hãy trở thành cái phút đó,
hãy là cái bảng màu nhạy cảm... hãy làm nên cái
hình ảnh mà ta nhìn thấy, quên đi mọi cái đã xuất
hiện trước khoảnh khắc ấy của chúng ta..”.