Henri Rousseau, một viên chức hải quan về hưu (vì thế mới có tên Le
Douanier - ông Nhà Đoan) và một họa sĩ tự học, đã tạo ra trong những năm 80
của thế kỉ mười chín các tác phẩm có chủ đề về trẻ em và phong cách của trẻ
thơ. Kiểu nhìn thế giới qua con mắt của một đứa trẻ đã không hề có trong các
tác phẩm của những nghệ sĩ nổi tiếng trong các thời kì Hi Lạp, La Mã, Phục
hưng và hàn lâm. Rousseau đã phá thủng cái bức tường kĩ thuật phức tạp tinh
vi là ranh giới phân biệt chủ yếu giữa một nghệ sĩ trẻ con và một bậc thầy hội
họa người lớn. Ông đi theo bản năng của mình về phép phối cảnh, vẽ những
cây cối rậm rì sum sê từ trí tưởng tượng, chọn chủ đề từ các giấc mơ của mình.
Điều tạo nên sức cuốn hút cho tác phẩm của Rousseau chính là cảnh tượng thế
giới của ông không những chỉ là cảnh tượng nhìn qua con mắt của một đứa trẻ,
mà còn thực sự như được một đứa trẻ vẽ nên, dù đó là một đứa trẻ rất khéo léo
giỏi giang.
Bản thân Rousseau không biết gì đến những trò mưu mẹo. Hoàn toàn ngây
thơ không biết gì trước những nụ cười khinh miệt của các họa sĩ khác, ông chở
các bức tranh của mình trên một chiếc xe cút kít đem đến phòng triển lãm. Khi
lần đầu tiên nhìn thấy các tác phẩm của Cézanne, ông đã thật thà đề nghị để
ông “hoàn thiện” chúng. Một lần ông đã chúc mừng Picasso, nói rằng hai
người họ chắc chắn là hai họa sĩ vĩ đại nhất của thế giới. Theo Werner
Haftmann, Rousseau là người hoàn toàn bị mê hoặc bởi phép mầu của chính
mình. Ông hoàn toàn lạc mất bản thân trong cái thế giới tranh của mình, đến
mức đôi khi ông phải mở toang cửa sổ để trốn khỏi những con mắt đang chằm
chằm nhìn từ đám cây cối thời tiền sử trong khu rừng huyền thoại lạ lùng mà
ông đã tạo ra”.
Thật oái oăm về mặt thời điểm, hình mẫu thế giới của trẻ em lại nổi lên
trong nghệ thuật đúng vào lúc quan điểm cơ học của Newton về thực tại đang
thắng thế nhất. Biểu tượng âm dương của người Trung Quốc là một thể hiện đồ
họa về mối quan hệ này giữa hai nguyên lí đối lập. Quan điểm đối lập ngập
ngừng xuất hiện lần đầu tiên khi cái tương phản bổ sung cho nó đang ở đỉnh
cao quyền lực.
Thật thích hợp làm sao khi đúng vào lúc trước khám phá của Einstein, một
nghệ sĩ hồn nhiên như Rousseau, người mà tranh của ông có thể lấy làm khung
cảnh cho các câu truyện cổ tích người mà vẫn thường bóp méo các hình dạng,