Những cố gắng thuở ban đầu này nhằm đưa vui đùa vào trong nghệ thuật đã
bùng lên thành tràng cười đến rụng cả rốn trong phong trào Dada, nổ ra vào
năm 1916, ở một nơi ít ai ngờ nhất là thành phố Zurich trang nghiêm bình
lặng. Các nhà thơ, họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà viết kịch gắn bó với trào lưu này
đã lí tưởng hóa hành vi của trẻ con, cái mà họ đã nỗ lực để mô phỏng. Họ tin
rằng hệ thống niềm tin của một đứa trẻ còn có lí hơn hệ thống của người lớn,
bởi vào thời điểm đó, hệ thống sau đang phải vất vả tự thoát ra khởi những
chiến hào ác nghiệt của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Có một điều mà
các nghệ sĩ theo phong trào Dada không hề hay biết, và nếu biết được chắc
chắn họ sẽ tán thưởng, cho đó là một trò đùa khổng lồ mang tầm vũ trụ, là chỉ
cách vài phố từ quán Café Voltaire ở Zurich, nơi tụ họp của họ, Albert Einstein
cũng trong năm đó đang thực hiện những nét hoàn thiện cuối cùng cho thuyết
tương đối rộng của ông. Lí thuyết vĩ đại thứ hai này của Einstein giải thích sự
bí ẩn của lực hấp dẫn. Và thậm chí còn hơn cả thuyết tương đối hẹp, nó sẽ phá
tan tành thành trì các khái niệm của người lớn về thực tại.
Sau khi phong trào Dada tàn lụi, một nghệ sĩ khác đã xuất hiện và vẽ với
một phong cách gợi nhớ đến kì quặc về tuổi thơ. Họa sĩ người Thụy Sĩ Paul
Klee đã sáng tạo ra một tổng thể tác phẩm về kích thước, quy mô và nội dung
là thông minh, đầy trí tuệ, nhưng cũng tràn trề vẻ thơ trẻ tươi mới. Klee đã
công nhận món nợ với đứa trẻ ở trong mình khi ông viết: “Hệt như một đứa bé
con bắt chước chúng ta khi nó chơi, chúng ta trong cuộc chơi của mình lại bắt
chước các lực lượng đã sáng tạo và đang sáng tạo ra thế giới này”.
Dù cho sự tồn tại của một đứa trẻ có vẻ như ở một khoảng cách rất xa các
phương trình của Einstein, nhưng Einstein đạt được những hiểu biết thấu suốt
đến như vậy bởi vì nguyên gốc, từ khi còn là một đứa trẻ, ông đã hồn nhiên đặt
ra được câu hỏi về chùm sáng của mình, câu hỏi mà không một người lớn nào
đã từng nghiêm túc xem xét đến. Henry Le Roy Finch, một trong các nhà viết
tiểu sử về Einstein đã đề cập chi tiết hơn về mối quan hệ này:
“Người ta đã từng nói rằng lương tri là đặc
quyền của người tốt, và kẻ xấu bị tiêu diệt vì
chúng thiếu nó. Chúng ta có thể tự hỏi liệu có cái
gì đó tương tự như thế áp dụng đối với chân lí
hay không - rằng chân lí là đặc quyền chỉ có