Họ chấp nhận lời thách đấu và nghĩ ra một thí nghiệm phải dùng đến toàn bộ
hệ mặt trời cùng vũ trụ để làm phòng thí nghiệm.
Năm 1919, Arthur Eddington đã dẫn đầu một đoàn công tác, chất nặng các
dụng cụ thiên văn học đi sâu vào đảo Principe ngoài khơi châu Phi, bởi trong
một ngày nhất định của năm đó, tại một địa điểm nhất định ở đó, có thể quan
sát trọn vẹn được một nhật thực toàn phần. Trong một thoáng chốc, khi vầng
mặt trời sáng lòa bị bóng đen của mặt trăng đi qua che phủ hết, bầu trời sẽ tối
sầm lại và các vì sao sẽ hiện ra giữa ban ngày.
Theo lí thuyết của Einstein, tia sáng của các ngôi sao đi qua rìa mặt trời sẽ
cong đi, bởi chúng phải vượt qua không-thời gian cong bao quanh mặt trời.
Nếu ông đúng, thì các ngôi sao sẽ xuất hiện ở một vị trí trên bầu trời ban ngày
bị tối lại khi ấy, khác so với vị trí sau đấy vào ban đêm chúng sẽ hiện ra, bởi vì
đến đêm, sẽ không còn vật thể nào có khối vật chất lớn như mặt trời để ép
không-thời gian giữa ánh sáng sao và con mắt người quan sát (Hình 22.7).
Eddington đã chụp ảnh vị trí của các ngôi sao tại khu vực gần mặt trời trong
thời gian nhật thực để so sánh với những vị trí của chúng trong đêm. Trong khi
chờ rửa ảnh, ông đã biết rằng các kết quả của ông hoặc sẽ khẳng định hoặc phá
tan lí thuyết mang tính cách mạng của Einstein. Cuối cùng, giữa các bầy muỗi
và lũ khỉ, ở gần nơi mà thủy tổ của loài người có lẽ lần đầu liên đã từ trên cây
trèo xuống mặt đất và chấm dứt việc thách thức với lực hấp dẫn, các số liệu
của Eddington hiện ra khẳng định: Einstein đã đúng. Einstein, tất nhiên, đã
chẳng mảy may nghi ngờ. Khi một sinh viên của ông hỏi liệu Einstein sẽ cảm
thấy như thế nào, nếu các kết quả của Eddington không xác nhận lí thuyết của
ông, Einstein đáp: “Tôi sẽ cảm thấy thương thay cho Chúa - bởi lí thuyết là
đúng”.