với các phương trình của Einstein. Ông suy đoán về khả năng tồn tại của một
vật thể tưởng tượng, vô cùng đặc, làm biến dạng không-thời gian ở chung
quanh nó mạnh đến mức ánh sáng không những chỉ bị uốn cong khi đi qua gần
nó, mà thực tế còn bị nó bắt giữ, vĩnh viễn không thể thoát ra khỏi bề mặt của
nó. Bởi vì ánh sáng không phát xuất hay hay phản xạ từ nó, nên vật thể siêu
đặc ấy trong trường hợp đặc biệt này trở nên không nhìn thấy được. Thế là ánh
sáng, cái tinh chất nhẹ bỗng của vũ trụ, thần Hermes nhanh như gió của trời
đất, trong hoàn cảnh đặc biệt này đã bị cầm tù bởi viên quản ngục tăm tối ù lì
là lực hấp dẫn. Suy đoán về một vật thể siêu đặc một cách hoang đường như
vậy đã mang tính chất dị thường đến nỗi các nhà vật lí tin rằng nó chỉ có thể
tồn tại trong lí thuyết. Từ trước đến giờ, chưa hề có cái gì được người ta biết là
tồn tại trong vũ trụ, dù chỉ liên quan rất xa xôi, đến mức độ đủ đặc để có thể
tạo ra cái hiệu ứng quái dị đến như vậy. Thậm chí Einstein, người nghĩ ra các
phương trình trường mà các suy đoán này dựa trên đó, cũng chưa bao giờ đề
cập đến khả năng tồn tại một lỗ đen thực sự.
Hai mươi lăm thế kỉ trước, tại buổi khởi đầu của phép nghi ngờ hợp lí, Plato
đã cho rằng giữa tưởng tượng và thực tại chỉ có một sự khác biệt rất ít. Ông
chiêm nghiệm thấy rằng bất kì cái gì mà con người ta tưởng tượng ra một cách
hợp lí, thì sớm muộn gì rồi cũng trở nên có thể. Theo Plato, tổng hợp trí tuệ
con người chính là toàn bộ kho tàng của thực tại. Tán thành với tư tưởng này,
William Blake đã viết: “Mọi cái mà ta có thể tin được, chính là một hình ảnh
của sự thật”. Sau đó, vào năm 1971, việc các nhà thiên văn khám phá ra một lỗ
đen “thực sự” ở chòm sao Thiên nga đã củng cố thêm tính xác đáng của các
quan điểm mang tính triết học và thi ca này.
Lỗ đen là hậu quả nảy sinh từ cái chết của một ngôi sao kềnh. Sao chết là
một khám phá mang tính vũ trụ. Trong mấy chục ngàn năm, con người từ mọi
nền văn minh nhìn lên bầu trời đêm và thấy các chòm sao dường như bất biến.
Năm 1927, nhờ có giải thích của Edwin Hubble về sự dịch sang phía đỏ của
quang phổ các thiên hà như đã nói ở Chương 13, các nhà thiên văn bất ngờ
thích thú phát hiện ra rằng vũ trụ không những đang tiến hóa, mà còn đang
giãn nở nữa. Kết quả là toàn bộ những niềm tin trước kia đã bị đảo ngược lại.
Không còn cái gọi là căn cốt vũ trụ bất biến, vĩnh cửu nữa.