Các nghệ sĩ Kurt Schwitters, Alexander Calder và Henry Moore mỗi người
theo cách riêng của mình cũng đã định nghĩa lại mối quan hệ mang tính điêu
khắc giữa không gian và khối lượng. Schwitters, một người cùng thời với
Picasso và không phải là một nhà điêu khắc theo nghĩa thông thường của từ
này, đã gắn kết các mảnh mẩu của “những thứ tìm được” mà ông nhặt nhạnh từ
các thùng rác và bãi đồ phế thải, sắp đặt chúng thành các collage đầy sáng tạo,
trông giống như những bức tranh Lập thể, mặc dù nếu như có thể xếp ông
thuộc về một trường phái nào, thì Dada là hợp lí hơn. Bằng việc nghĩ ra từ
“merz” chẳng có ý nghĩa gì cả, ông đã tiên đoán được quan điểm của nhiều nhà
vật lí mới, cho rằng chúng ta phải cần có một thứ ngôn ngữ mới để miêu tả các
thực tại của cơ lượng tử và thuyết tương đối. Schwitters còn sáng tác các bài
thơ “merz”, trong đó không hề chứa một từ nào mà ta có thể nhận ra.
Đối với Schwitters, “merz” có thể áp dụng cho bất kì cái gì. Năm 1923, ông
bắt đầu hoán cải nhiều căn phòng trong nhà ông ở Hanover, Đức thành một
“Merzbau ” (Hình 24.4). Người kiến trúc sư ban đầu thiết kế ngôi nhà này với
chủ định làm cho nó trở thành một cấu trúc đem lại sự riêng tư và che chở,
bằng việc sử dụng các phương tiện đã được đánh giá cao qua thời gian: không
gian khép kín với khối vật chất. Nhưng Schwitters đã đảo ngược thiết kế này
và thay đổi ngôi nhà thành một cấu trúc bên trong, bằng cách dần dần lấp đầy
không gian các căn phòng với những kết cấu không có chức năng gì rõ rệt.
Ông gọi nó là một nhà thờ, thờ những vật làm ra từ các vật khác. Dùng các
hình thang, hình tam giác, hình bình hành lớn bằng gỗ sơn màu, ông đã dần
dần biến nội thất của các căn phòng thành một tác phẩm điêu khắc ba chiều,
nhấn mạnh cho khách tham quan thấy cái tính chất vô hình của kiểu hình học
là không gian. Schwitters luôn luôn bắt đầu bằng cách gắn các hình khối trừu
tượng lên các bức tường, rồi lấp đầy căn phòng từ vành ngoài dần dần tiến vào
trung tâm. Cuối cùng, chính Schwitters cũng không thể di chuyển được trong
không gian chật cứng của căn phòng được nữa. Kết quả là cả ngôi nhà của ông
đã trở thành một bức tượng: một tác phẩm collage lộn ngược từ trong ra ngoài.
Nhưng khác với tất cả những bức collage trước đó, collage này bao bọc lấy
người xem, là nhân vật ở bên trong nó, ở giữa lõi, ở chính cái trọng tâm, cái
điểm trong không gian bị khối vật chất của bức tượng bao quanh.