Không-thời gian hiếm khi được diễn tả một cách hùng hồn đến vậy, như
trong tác phẩm của Schwitters. Điểm nhìn hoàn toàn mới mẻ từ bên trong của
bức tượng là phản đề hoàn toàn với phong cách truyền thống mà các bức tượng
từ trước đó vẫn trình bày với người xem. Bằng việc đảo ngược quan niệm
thông thường về khối lượng, không gian và hấp dẫn, Schwitters đã diễn đạt
trong nghệ thuật điều mà Einstein đã đưa ra trong thuyết tương đối rộng của
mình.
Giống như Rodin trước đó, Alexander Calder đã phá vỡ khối vật chất trung
tâm của bức tượng và đập vỡ nó ra thành nhiều mảnh khác nhau. Thêm vào đó,
lại cũng giống như Rodin, ông đã loại bỏ trọng tâm nhìn thấy được nằm sâu
trong khối vật chất. Các cuộc công kích đầu tiên của Calder trong lĩnh vực điêu
khắc vào năm 1926 thể hiện dưới dạng những bức tượng nghệ sĩ xiếc nhào lộn
bé xíu. Các dáng hình bé xíu làm từ dây thép của ông đối nghịch hẳn với
những pho tượng làm từ đá cẩm thạch Carrara của Michelangelo và là hiện
thân của ý tưởng thách thức lực hấp dẫn, hệt như Manet, Degas, Seurat và
Picasso đã từng làm, khi họ cũng vẽ những nghệ sĩ nhào lộn.
Nhưng đến năm 1932, với tác phẩm điêu khắc động đầu tiên của mình,
Calder đã nhấc bổng điêu khắc lên khỏi mặt đất, cưỡng lại lực hấp dẫn, và
giảm bớt tầm quan trọng của trọng lực. Trước đó, chuyển động và điêu khắc
(năng lượng và khối lượng) dường như luôn đối chọi nhau. Giờ đây, Calder đã
tìm ra được một cách thể hiện mối quan hệ nhị nguyên giữa chúng. Bằng việc
thực sự treo khối vật chất lơ lửng trong không gian, lần đầu tiên trong điêu
khắc, Calder đã tách rời tượng ra khỏi bệ đỡ của nó. Khéo léo cân bằng khối
vật chất và độ đậm đặc của các tác phẩm điêu khắc động, để chúng có thể dễ
dàng bị tác động bởi một thứ mơ hồ như một làn gió, chẳng hạn, Calder đã làm
cho các tác phẩm điêu khắc của mình như bức Bẫy tôm hùm và đuôi cá (1939)
(Hình 245) trở nên giống như các hạt cơ bản phản ứng trong một trường lực,
hơn là giống như vật chất chiếm lĩnh không gian.