Có một lần vào năm 1979, tôi đưa đứa con gái mười hai tuổi của mình đi
thăm Bảo tàng Mĩ thuật Hiện đại tại thành phố New York. Tôi có phần lo rằng
việc nuôi dưỡng tại vùng California đã tước đi của con bé cái vốn di sản văn
hóa phong phú của nền văn minh phương Tây, và muốn cho cháu xem một số
ví dụ xuất sắc của nó đang tồn tại ở bờ phía Đông này của nước Mĩ.
Bắt đầu với các tác phẩm trưng bày thuộc trường phái Ấn tượng Pháp của
Bảo tàng, tôi đã cố khuấy động trong con tôi niềm sùng kính và tâm trạng rạo
rực mà tôi luôn cảm thấy trước những tuyệt tác hội họa. Tuy nhiên, khi hai bố
con càng đi sâu mãi vào cái mê cung trong bảo tàng, các tác phẩm mỗi lúc
càng trở nên hiện đại hơn. Con gái tôi, với cái lối hỏi làm người lớn bối rối, cứ
ép tôi phải giảng giải hết bức tranh này đến bức tranh khác tại sao chúng lại tạo
nên “nghệ thuật vĩ đại” như vậy. Tôi đã phải trả lời nó rằng nếu tòa nhà này mà
chỉ là kho báu của nền văn hóa của chúng ta, thì tôi chắc chắn có thể giải thích
bằng một thứ tiếng Anh đơn giản về cái gì đã làm cho mỗi bức tranh trở nên
quý giá, độc nhất vô nhị như vậy. Mỗi lúc tôi một bứt rứt vì không trả lời nổi
các câu hỏi thẳng thắn của con bé.
Sau đó, vừa sưởi nắng và nhóp nhép nhai bánh mì kẹp xúc xích, hai bố con
vừa bàn luận về những gì đã xem. Với vẻ hồn nhiên trong sáng của con trẻ, con
gái tôi dõng dạc tuyên bố quan điểm của nó - rằng đối với phần lớn mảng nghệ
thuật vừa rồi, vị Hoàng đế đã không hề có quần áo gì cả
! Tôi chợt nhận ra
rằng mặc dù hiểu về nội dung trí tuệ của từng trào lưu hiện đại, nhưng thực ra
tôi cũng chưa “nắm bắt được” nó. Tôi đâm cảm thấy bực bội với các họa sĩ đã
làm cho việc lĩnh hội nghệ thuật trở nên quá khó đối với chúng ta. Cứ như là
họ đã từ chối không cho chúng ta tham dự vào một vài bí mật quan trọng nào
đó cùng với họ.
Rồi mấy ngày tiếp theo trong các bảo tàng khác, tôi cứ liên tục bị đối mặt
với tình cảnh tiến thoái lưỡng nan không lấy gì làm thoải mái này. Làm thế nào