CHƯƠNG II
TỔ CHỨC ĐỜI SỐNG
Nhà văn nên sống ở đô thị lớn hay ở tỉnh nhỏ?
Khi tôi mới lên ngụ ở Saigon, một ông bạn tiếp tôi trong một cửa
hàng do ông làm chủ và đã bảo tôi:
- Lên đây anh khó mà viết lách. Hồi tôi ở H.T. tôi có trứ tác được,
độ nầy hết hứng, mỗi năm chỉ làm được vài bài thơ… Đời sống ở
đây bận rộn quá mà cũng ồn-ào quá!
Nghe tôi nói tôi tự nghĩ tại đời sống ở Saigon nầy thì ít mà tại
không khí trong cửa hàng thì nhiều. Mắc làm con toán suốt ngày,
viết sao được nữa?
Tôi nhớ Charles Braibant có nói: “Không khí thành Balê kích-
thích, nhưng nó như một thứ thuốc kim thạch dùng luôn hóa quen.
Ở lâu thì không khí đó làm ta kiệt lực. Bạn cũng biết rằng những gia
đình lập nghiệp ở Ba lê đến đời thứ ba là tiêu diệt đấy chứ?”
Sự kích thích của không khí ở đô thị lớn cần cho nhiều nhà văn để
sáng tác. Nhất là các nhà báo, phải tra cứu tài liệu trong các thư viện,
nghe ngóng tin tức trong các quán cà phê, nếu sống ở tỉnh nhỏ, làm
sao họ viết được!
Nhưng nếu luôn năm, bảy năm không ra khỏi chốn đô thị náo
nhiệt, bên tai lúc nào cũng ầm ầm, trước mắt lúc nào cũng nhộn nhịp
thì tâm thần ta tránh sao chẳng phải mệt mỏi, mà công việc trứ tác
chẳng kém về lượng hoặc về phẩm?
Vậy nếu có một khu vườn ở ngoại ô châu thành, như tại làng
Mọc, làng Bưởi, làng Ngọc Hà ở chung quanh Hà Nội, hoặc ở khỏi
Gia Định, Phú Nhuận, Lăng Tô gần Sàigòn thì thích nhất và tiện
nhất. Sống ở đây ta có thể tùy tiện ra đô thị tìm tài liệu ở thư viện,
chuyện trò với các văn hữu hay tính toán công việc với nhà xuất bản,