“(…) Ấy là chưa kể cảnh Phó Tán
bị in nhầm đấy “gieo tai rắc vạ”
mà thành “gieo tay rắc dạ” thì hỏi có nghe
phúc bảy đời, các ông nhà in chưa nhầm “gieo tay” ra “giểu tây” thì có
ngày “rắc vạ” cho Phó Tán cũng chưa biết chừng”.
Nhà văn nào mà đã chẳng có lần mất ngủ vì những lỗi in tầy trời
như vậy? Đào Duy Anh muốn phát khóc vì ấn công của nhà Lê văn
Tân, và hai anh bạn tôi, mỗi khi tác phẩm mới in xong, coi lại thì
bệnh đau gan lại muốn tái phát. Bực mình quá đi!
Muốn tránh được một phần nào – chỉ một phần nào thôi – những
lối đó thì đích thân ta phải sửa lại ấn cảo rồi mới cho phép in.
Phải đọc ấn cảo rất kỹ lưỡng, đọc như trẻ em tập đánh vần vậy,
nếu không, sẽ không thấy lỗi vì ai cũng có tật: mắt đã quen thấy chữ
ra sao thì luôn luôn thấy nó như vậy cả những khi nó in sai.
Phải chú ý như vậy có khi cả giờ để sửa sáu, bảy trang giấy, chỉ lơ
đễnh một chút là có thể bỏ sót những lỗi làm ta ân hận.
*
Tuy nhiên, dù sửa kỹ tới đâu, sách bạn cũng vẫn còn lỗi. Nguyên
do là sự sơ sót của nhà in: còn một vài lỗi lặt vặt, không nỡ bắt nhà
in đưa ấn cảo cho bạn coi lại lần nữa, bạn dặn họ sửa lấy trước khi
cho lên máy, mà họ quên không sửa; cũng có khi họ sửa nhưng nêm
chữ không chặt, máy chạy làm văng chữ ra ngoài, in ra mới thấy
thiếu chữ; chữ chung thành hung hoặc chun.
Nhưng nguyên do chính là sự vô ý của loài người.
Người ta kể chuyện một nhà xuất bản nọ ở Pháp nhất định in một
cuốn sách không có lỗi. Ông lựa cuốn Thánh kinh. Sắp xong trang
nào ông đưa ba thầy cò coi lại, sửa cho hết lỗi rồi đem một bản dán ở
cửa, yêu cầu bất kỳ nhân viên nào đi qua cũng ngừng lại đọc và chỉ
cho những lỗi in. Công việc làm đâu một năm mới xong, khi sách
đem bán, ông tuyên bố trên báo chí rằng độc giả nào lượm được lỗi
thì xin cho ông hay, ông sẽ thưởng mỗi lỗi một trăm quan tiền vàng.