[g] Thuốc thánh đền Bia: thuốc xin ở đền Bia, tại làng Văn Thai, tổng Nghĩa Phú, huyện Cẩm Giàng
tỉnh Hải Dương. Đền này thờ Tuệ Tĩnh thiền sư tức Nguyễn Bá Tĩnh (1330-?), quê làng Văn Thai.
Theo lời tục truyền, Tĩnh mồ côi cha mẹ từ 6 tuổi, được một hào phú trong làng nuôi, sau theo học
một thiền sư ở Giao Thủy (Nam Định), vừa học nho vừa học thuốc, đỗ Hoàng giáp /hay đỗ Thái học
sinh?/ dưới triều Trần Dụ Tông (1341-69) nhưng không ra làm quan mà chuyên làm thuốc chữa bệnh,
đặc biệt chú ý tìm cây thuốc ở Việt Nam, soạn ra và truyền lại sách “Nam dược thần hiệu”; ngoài ra
còn hưng công xây dựng được vài chục ngôi chùa. Về sau ông được triều cống sang Trung Quốc để
chữa bệnh hậu sản cho vợ vua nhà Minh /hay Nguyên?/, được vua Minh phong sắc “Nam Việt Y Tử”,
nhưng không được về nước mà bị giữ lại ở đó cho đến chết. Cũng theo tục truyền, đến thời Lê Cảnh
Hưng (1740-86) có tiến sĩ Nguyễn Danh Nho (1638-99) là người cùng làng Văn Thai đi sứ sang nhà
Thanh, tình cờ nhìn thấy tấm bia mộ Tuệ Tĩnh, trong đó có lời nhắn “mai sau ai có về Nam Việt thì
cho di cốt tôi về với”, bèn sao lục lời văn bia ấy rồi thuê thợ khắc đá thành tấm bia đem về nước; qua
vạn thủy thiên sơn, khi đến một nơi gần làng Văn Thai thì tấm bia tụt xuống và không sao chuyển đi
được. Người ta cho là thánh đã hiển linh, bèn xây đền thờ ngay tại vị trí đó, đặt tên là đền Bia. Tục
truyền, thuốc thánh xin ở đền Bia rất công hiệu, dân đến lễ đền Bia xin thuốc rất đông. Đến thời Minh
Mệnh (1820-40), vua thấy dân tụ về đông như thế, cho là việc phạm, bèn bắt khiêng bia về tỉnh đường
giam phạt 100 năm, từ đó người đến cúng bái xin thuốc bớt dần. Về sau, có người làng Văn Thai làm
việc trên tỉnh đường xin được mang lại tấm bia về đặt lại ở đền cũ; người trong vùng lại về đây cúng
lễ xin thuốc, nhưng ban đầu chỉ có dân 3 làng Văn Thai, Nghĩa Phú, Phú Lộc xin thuốc là hiệu
nghiệm. Người ta cho rằng từ đầu tháng giêng năm 1936, lời quở phạt của vua Minh Mệnh đã hết hạn,
tức là thánh y Tuệ Tĩnh lại vui lòng cứu chữa chúng sinh, nên người ta kéo về làm lễ mỗi ngày có đến
hàng nghìn người. Ai đã thành tâm đến xin thuốc cửa ngài thì dù bệnh nặng đến đâu cũng thuyên
giảm. Hầu hết các bệnh đều chữa bằng các thứ lá và nước lã, ai xin về uống cũng đều khỏi. (Theo sách
“Lịch sử chùa Bia”, Hồng Mai soạn, nhà in Hồng Tuyết, Hà Nội, 1936, tr. 3-8). Tại thư viện Quốc gia
ở Hà Nội hiện có ít nhất 5 tập sách mỏng về sự tích đền Bia, hầu hết đều in cuối 1935 đầu 1936, hầu
hết đều dùng để bán tại lễ hội đền Bia. Hẳn đây là sự việc đáng chú ý trong đời sống dân gian đương
thời. Có lẽ nhà văn Vũ Trọng Phụng đã chú ý đến điều này, và đã đưa sự kiện đó vào tiểu thuyết Số
Đỏ.
[h] Đoạn đối đáp cãi vã giữa hai nhân vật lang Tỳ và lang Phế này, tác giả Vũ Trọng Phụng đã từng
viết thành truyện ngắn Cuộc vui ít có, đăng tuần báo Nhật tân s. 18 (29.11.1933) dưới bút danh Thiên