Tên gọi “Bắc Bộ” chỉ có từ sau tháng 9/1945, sinh thời Vũ Trọng Phụng
chưa biết đến tên gọi ấy; vậy nên bản B (Lê Cường 1938) chưa thể có tên
gọi ấy. Có thể suy đoán: chính nhà Minh Đức ở bản C đã sửa thành “Bắc
Bộ”, nhưng 11 năm sau ở bản E họ đã lấy lại tên gọi “Bắc Kỳ”.
Khác biệt “Bắc Kỳ”/ “Bắc Bộ”, như thế, còn hé cho ta thấy, các nhà
xuất bản ở Việt Nam, xưa kia cũng như ngày nay, đều không thật tôn trọng
nguyên tắc in đúng văn bản của tác giả. Họ có thể đưa những sửa chữa
(thêm, bớt, thay đổi) vào văn bản, khi cho là cần thiết hoặc khi bị bắt buộc
phải làm như thế.
Về cách thể hiện trật tự kết cấu cuốn truyện, bản đăng báo (bản A) chia tác
phẩm thành 3 phần: phần thứ nhất: I – VII; phần thứ hai: I – VII; phần thứ
ba: I – VI (tuy mới đăng đến II, còn thiếu III – VI); trong khi đó, các bản in
sách về sau đều không chia ra các “phần”, chỉ dùng chữ số La Mã để đánh
dấu các kỳ đăng báo, cũng tức là các đoạn truyện (mà ta vẫn gọi ước lệ là
“chương”, nhưng đó là cách nói miệng của chúng ta, không phải của tác giả)
từ I đến XX. Rõ ràng chỉ có thể giải thích thay đổi này bởi không ai khác
ngoài chính tác giả, thể hiện trên bản in thành sách, tức là thể hiện việc này
ở bản B (Lê Cường 1938).
Ta cũng từng biết, các tiểu thuyết khác của cùng tác giả Vũ Trọng Phụng
như Giông tố, Quý phái, khi đăng báo lần đầu đều chia thành 3 phần, mỗi
phần gồm một số mục (I, II, III, IV, V, VI...), đến khi in thành sách đều có xu
thế xóa bỏ “phần”, chỉ giữ lại “mục”. Số đỏ không nằm ngoài thông lệ ấy;
chỗ khác biệt của tác phẩm này về kết cấu chương hồi là tác giả đặt những
mệnh đề vắn tắt làm tiêu đề cho các “mục”, vừa giống vừa khác so với cách
đặt tên chương hồi cho các truyện dài ở thời đại văn chương Hán Nôm xưa
kia.