MẤY NHẬN XÉT CHUNG
TỪ VIỆC KHẢO DỊ CÁC BẢN IN SỐ ĐỎ
Một ít khái niệm chung về văn bản học, cũng như những khía cạnh của việc
khảo sát tình trạng dị bản ở các tác phẩm ngôn từ cụ thể, tôi đã trình bày
trong công trình Nghiên cứu văn bản tiểu thuyết Giông tố (Hà Nội: Nxb. Tri
Thức, 2007), ở đây không nhắc lại.
Dưới đây chỉ tập trung vào việc báo cáo khảo sát tình trạng dị bản ở tiểu
thuyết Số đỏ kể từ bản đăng báo (1936-37) đến lần in thứ 8, trong bộ Tuyển
tập Vũ Trọng Phụng, thực hiện năm 1987.
Trong vòng 50 năm ấy đã lần lượt xuất hiện 8 bản in, song hiện tại chúng ta
chỉ còn biết rõ 7 văn bản (trừ bản Lê Cường 1938 hiện chưa tìm lại được).
1/ Bản đăng Hà Nội Báo (bản A) liệu có bị sửa nhiều, khi in
thành sách riêng?
Việc chưa tìm được bản B (Số đỏ do Lê Cường in 1938) khiến một số câu
hỏi vẫn chưa có lời đáp, nhất là về mức độ tương ứng của nó so với bản A
(bản đăng Hà Nội Báo).
Bản đăng Hà Nội Báo thiếu hẳn 4 chương cuối truyện, đó là điều đã rõ.
Nhưng đây cũng mới là bản ra mắt lần đầu tác phẩm này. Liệu vào năm
1938, khi nhà Lê Cường cho in thành sách, tác giả Vũ Trọng Phụng có tham
gia sửa in tác phẩm của mình hay không?