Người chê Xuân vô học, người lại quả quyết rằng kể về học thức của
Xuân thì mấy ai đã bằng! Người muốn phá cuộc nhân duyên ấy nói:
− Chính tôi đã được lão Victor Ban mách rằng xưa kia Xuân Tóc Ðỏ
chỉ là một thằng ma-cà-bông.
Nhưng người muốn tán thành cho cuộc ấy đã đáp:
− Ông có biết rằng ngay bác sĩ Trực Ngôn cũng kính trọng ông Xuân
lắm, vẫn coi ông Xuân như bạn thân, hay không?
(6)
Trước những dư luận như thế, cụ Hồng, mặc dầu chưa biết xử trí ra
sao, chỉ việc gắt “Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi!...”
Trước những dư luận như thế, cụ bà chỉ đành ngán ngẩm thở dài mà
rằng:
− Ðể dò xem con bé đã hư hỏng chưa rồi sẽ định liệu.
Và, trước những lời căn vặn của bố mẹ, cô Tuyết nhất quyết giữ thái
độ của một thiếu nữ đã giải phóng bằng cách chỉ điềm nhiên trả lời: “Ông
Xuân, đối với tôi, chỉ là một người bạn giai mà thôi”.
Sau cùng thì, trước lời khai của cô em, ông Văn Minh cũng không
thể kết luận thế nào cho được. Giai gái tự do giao thiệp với nhau, như thế là
một dấu hiệu của tiến bộ, của Âu hoá. Nếu ông nghi ngờ gì thì sẽ có hại cho
danh dự của ông, một người chủ trương Âu hoá. Cho nên dẫu không bênh
em ra mặt, ông cũng không dám kết tội em ông đã hư hỏng rồi! Ông thường
than thầm một cách rất chính đáng: “Ôi, giữ cái trách nhiệm rắc hạt giống
văn minh cũng khó khăn nặng nhọc lắm thay!”
(7)
Trong khi ấy Xuân cứ điềm nhiên giữ luôn mấy chức: giáo sư quần
vợt, giáo dục một cậu con cầu tự cho khỏi hoàn cảnh xấu, cố vấn của sư cụ
Tăng Phú trong việc chấn hưng đạo Phật. Chỉ thỉnh thoảng có thời giờ nhàn
rỗi nó mới tạt qua lại hiệu may Âu Hoá độ mươi phút.
(8)
Những khi ấy,
trước mặt một số đông người, nó đã khôn khéo công kích và chỉ bảo cho bà
chủ cũ một vài lối lốp, sì-mát, đờ-ray,
[a]
để lấy oai chơi. Hoặc nó sửa chữa