Giọng bà nói chậm rãi từ tốn như bình thường. Cô gái đang bóc cam,
ngước lên thoáng nhìn mẹ rồi trả lời cũng với giọng đều đều:
“Về rồi ạ. Anh ấy nói là lát sẽ quay lại, đưa người buôn cam sang.”
“Thằng bé này đúng là ngoan, chăm chỉ siêng năng, thảo nào mà bố mẹ
nó yêu quý thế, lại còn thi đỗ được đi nước ngoài với người ta nữa.”
“Thế lần sau con cũng đăng ký thi, để được mẹ khen là chăm chỉ siêng
năng, để được mẹ yêu quý.”
“Con có thi đỗ, mẹ cũng không cho đi.”
“Thế là hết! Mẹ không muốn có con gái là lưu học sinh nước ngoài à?”
Câu nói vừa buột ra khỏi miệng, Angsumalin mới chợt nghĩ là có thể sẽ
động vào nỗi buồn của mẹ, nhưng bà Orn vẫn không thay đổi nét mặt.
“Mẹ không muốn có con gái thành me đầm. Đi như vậy những mấy năm,
mẹ sẽ nhớ con chết mất, nói dại nhỡ mẹ già chết trước khi con về thì sao.
Nếu là con trai thì còn được, chứ con gái chắc chắn mẹ không chịu đâu.
Các cụ xưa đã nói ‘nam là thóc, nữ là gạo’, con gái thế nào cũng phải chịu
thiệt thòi hơn.”
Angsumalin lén cười bởi biết bà Orn chuẩn bị răn dạy chuyện gì.
“Biết thế con sinh ra là con trai thì tốt biết mấy, sẽ được đi chơi thoải
mái.”
Bà Orn vừa đi vừa ngó nghiêng xem cam, cô con gái theo sát đằng sau.
“Dù thế nào thì phụ nữ mình cũng chịu thiệt thòi hơn đàn ông con ạ. Lúc
yêu nhau, ở bên nhau thì cái gì mà chẳng tốt đẹp. Đến khi xa nhau, họ lại
thấy người khác tốt đẹp hơn, đến lúc ấy, những cái trước đây là tốt lại trở
thành không tốt. Nhưng nếu phụ nữ cũng cư xử như thế thì người đời lại
chê trách.”
“Thì mình đừng nghe ai nói hết ạ.” Cô gái bắt đầu trêu.
“Miệng lưỡi người đời đáng sợ lắm. Người ta nói với mình thì nghe
được, nhưng người ta đem đi đồn thổi với nhau thì không thể nghe nổi.”
“Chính vậy nên con mới nói là mình không phải nghe ai.”