Tiếng gõ nhẹ ngày càng to hơn. Những cái bao rác đó đang chuyển
động. Chuột. Bồ câu.
Không phải chuột.
Điện thoại reo. Bắt máy đi!
Cô thanh tra bắt máy và giọng nói của cô ta đâm thủng sự bình tĩnh của
anh như móng guốc một con nai đâm thủng kính chắn gió.
“Cứu tôi!” Anh nói yếu ớt, từ ngữ biến đâu mất. Vỗ cánh bay rồi. “Trời
ơi. Cứu. Lạy Chúa tôi, Jen. Những con chim. Nơi này. Nó...”
Một vệt trắng vuốt qua mặt anh, cái gì đó khô và mỏng như giấy chạm
lên mặt. Anh xoay người. “Chúa ơi. Chết tiệt!
Cái gì thế? Cái gì thế?”
“Jen. Cô ấy bị thương nặng lắm. Cô ấy bị tiểu đường nữa. Tôi nghĩ là
cô ấy - Á trời, á trời. Tôi không biết chuyện gì đang xảy ra nữa.”
Anh nghe thấy tiếng của cô thanh tra ở đằng xa. Nó như tiếng máy hát
cũ truyền qua một vỏ sò. Anh cố gắng giải mã câu hỏi. “Fleisher. Nhà máy
Fleischer,” anh nói và chĩa cái camera lại về phía Jen. Đôi mắt cô mở trừng
trừng ngạc nhiên. Cái sự tò mò ngọt ngào ấy, mọi niềm vui thích trên thế
giới này, tất cả đã bị xé toạc ra khỏi cô.
“Cô ấy bị thương rồi. Cô ấy đang chảy máu. Tôi thấy cả quả tim cô ấy.
Ôi Chúa ơi, tôi nôn mất.”
Anh nôn khan, tay ôm lấy mặt và trong một khắc mọi thứ lại trở về
bình thường. Hay cứ mặc kệ và coi nó là bình thường. Căn phòng này chỉ là
một căn phòng. Jen thì đã chết rồi và chẳng còn gì khuấy động trong cái lỗ
đen nơi lồng ngực cô nữa.
Giọng một cô gái vang lên trên cái loa điện thoại nghe vừa quen vừa lạ.
Con gái cô thanh tra. Đang nói về hô hấp nhân tạo cứ như thể anh có thể thổi
được sự sống vào lồng ngực nát bấy của Jen. Tiếng rồ rồ ngày càng nghe to
hơn. Không phải tiếng ve sầu nữa mà là tiếng động cơ máy bay vào số.
Một trong mấy cái túi rác trong bóng đêm đột nhiên di chuyển. Không
phải một cái túi. Một gã đàn ông núp mình trong bóng tối suốt từ nãy đến
giờ quan sát anh. Gã ta đứng dậy. Khuôn mặt vô hồn hay như đang lột da,
trên cổ gã là vết máu vón cục văng xuống tận áo. “Anh đã đến,” gã nói.