KIM CƯƠNG XỨ DETROIT
Cánh cửa sổ của quán cà phê Rocket cho Jonno thấy được cái nhìn
hoàn hảo toàn bộ cái vỏ trống rỗng bao bọc Nhà Ga Trung Tâm Michigan.
Bức tường thành phòng ngự của Detroit. Một thiên tài nào đó đã đề xuất
việc lưu giữ những đống đổ nát mang tính biểu tượng như thế này. Dù gì đi
nữa đây cũng là thứ để cho người ta đến tham quan, để được trố mắt nhìn
vào những tòa nhà xiêu vẹo và chụp hình chúng. Sự khác biệt duy nhất giữa
dân hippi đột nhập vào những tòa nhà bỏ hoang ở đây với những du khách
luống tuổi mang vớ đi xăng đan ở khu Đấu trường La Mã đó là tụi hippi
chụp hình đẹp hơn còn đám du khách thì có người ra rả thuyết minh cho họ.
Cũng không phải ý tồi. Anh cũng có thể làm như vậy, soạn chương trình tour
và thu âm lại. Nhưng đối với anh, vấn đề không nằm ở chỗ sự ám ảnh với sự
khơi gợi mà đám tàn tích này phô bày, mà vấn đề nằm ở chỗ ai ai cũng
muốn tìm hiểu xem chúng có ý nghĩa gì. Đó là cái bệnh của loài người, lúc
nào cũng bị ám ảnh phải quan trọng hóa vấn đề.
Như chuyện cô ấy đã đến trễ bốn mươi sáu phút rồi chẳng hạn. Như thế
là trễ hơn ba mươi mốt phút so với số thời gian đáng bỏ ra để chờ đợi bất kỳ
cô gái nào, trừ phi cô nàng là một siêu mẫu danh giá hay là nhà sản xuất bộ
phim kể về cuộc đời tuyệt vời của bạn, theo cách so sánh trong bộ “10 Quy
tắc Hẹn Hò cho Người đàn ông lịch lãm” mà anh bôi vẽ ra cho một trang
web mày râu tạp nham nào đó hồi năm ngoái. Tất cả đều chỉ là mồi câu
Like
. Nhưng thị hiếu con người khó câu hơn lũ cá, còn nền kinh tế thì vẫn
chỉ là chốn bùn lầy nước đọng, và anh nên viết một cuốn tiểu thuyết hậu-
hậu-hiện đại về một cuộc đấu tranh trường kỳ nào đó kiểu như Moby-Dick
chẳng hạn chứ không phải lanh chanh nghĩ ra mấy cái danh sách liệt kê vớ
va vớ vẩn này. Nhưng để kiếm tiền thì giỏi cứ viết tiểu thuyết thử xem.
Ờ, mà bài viết của anh cũng đã được xuất bản trong những tạp chí văn
học vô danh với lượng độc giả lên tới con số tám đấy thôi, không kể mẹ của
giám đốc nhà xuất bản và các số tặng cho những người viết bài. Mọi nhà văn