hoặc trên lá cọ. Để tránh tình trạng có nhiều dị bản, vị calíp
ngôi Môhamét là Abu Bêke (632-634) cho chỉnh lý và ban hành một bản
kinh duy nhất. Đến thời hoàng đế Otman (644-656) một tiểu ban lại được lập
ra có trách nhiệm chỉnh lý và xác định lần cuối cùng bản kinh chính thức.
Như vậy, chỉ hai mươi năm sau ngày giáo chủ qua đời, Kinh Thánh của đạo
Hồi đã không còn dị bản và cứ vậy được lưu truyền cho đến tận bây giờ.
Tuy vậy do đặc điểm lối viết chữ A Rập thường gây nhiều cách hiểu khác
nhau về văn phạm, lại trải qua mười ba thế kỷ lưu truyền kể cả ở nhiều nước
không nói tiếng A Rập, do đó khó tránh khỏi tình trạng nảy sinh nhiều điểm
dị biệt. Để khắc phục nhược điểm đó, năm 1923 chính phủ Ai Cập cho ấn
hành một bản kinh chính thức có chú thích rất đầy đủ nhằm tránh mọi cách
hiểu không đúng và có những cách giải thích khác nhau.
Nhiều nhà nghiên cứu đã nhận xét: Kinh Côran là hiện tượng rất đặc biệt.
Jêxu Crít, người vẫn được coi là kẻ sáng lập đạo Thiên Chúa không để lại tác
phẩm hoặc di huấn nào. Những cộng đồng Thiên Chúa giáo đầu tiên tách ra
từ đạo Do Thái, thừa nhận Cựu ước vốn của đạo Do Thái và biến nó thành
Kinh Thánh của mình. Còn Tân ước là một tập hợp nhiều văn phẩm khác
nhau mãi đến cuối thế kỷ thứ tư sau Công nguyên mới thực sự định hình.
Ngược lại, kinh của đạo Hồi là tác phẩm của một người, và chỉ hai mươi
năm sau khi người đó qua đời, đã trở thành hoàn chỉnh. Đó là một điều hiếm
thấy trong lịch sử các tôn giáo, nói lên thiên tài lỗi lạc của Môhamết.
Kinh Côran về thực chất là phản ánh các hoạt động tôn giáo của Môhamét
với tư cách là một đấng “sứ giả”. Bởi vậy nội dung của nó rất phong phú và
phong cách diễn đạt cũng không đồng nhất. Những đoạn ra đời sớm nhất và
tương đối ngắn hơn cả mang nhiều chất thơ (kinh Côran vốn được viết bằng
văn xuôi có vần). Một phần quan trọng gồm những truyện kể vay mượn từ
những truyền thuyết Do Thái, Thiên Chúa giáo, nhất là truyền thuyết đã có
trong Cựu ước. Và cuối cùng là những quy định nhằm tổ chức cộng đồng tín
đồ ở Mêđin, đấy cũng là cơ sở luật lệ Hồi giáo về pháp lý và về lễ nghi.
Đạo Hồi khẳng định sự tồn tại của một Thượng đế duy nhất (tiếng A Rập
gọi là Ala) mà sứ giả cuối cùng là Môhamét. Có thiên đường và địa ngục, có
phục sinh và phán xét cuối cùng, có thiên thần và ma quỷ. Tính thiêng liêng
của kinh Côran là nguyên lý cơ bản của đạo Hồi. Về nghi tiết, tín đồ Hồi
giáo phải cầu kinh năm lần mỗi ngày. Lúc cầu kinh, mặt hướng về La
Mếchcơ. Tín đồ phải ăn chay trong tháng ramađan (tháng chín theo lịch Hồi)
và hành hương về La Mếchcơ ít nhất một lần trong suốt đời người. Đạo Hồi
không có thầy tu chuyên nghiệp. Chỉ có người rao giờ cầu kinh và những
người chuyên trách một số việc tôn giáo và xã hội.
Về mặt xã hội, sự xuất hiện của đạo Hồi mang một số yếu tố tiến bộ vào