III
Nghìn lẻ một đêm không chỉ là một tập truyện cổ tích, đó là cả một thế
giới. Thế giới người A Rập trong cuộc đời thực tại cũng như trong cảnh thần
tiên ma quái, thế giới của đạo Hồi từ khi có sử thành văn và đạo Hồi qua các
truyền thuyết dân gian. Người A Rập vẫn cho pho sách này là một tấm
gương vĩ đại ai nấy có thể nhìn vào đấy mà suy ngẫm, mà soi xét bản thân
mình. Lời nói đầu trong nguyên bản viết:
“Chuyện người xưa là bài học cho người đời nay” và ca ngợi: “Vinh
quang thay cho những ai đã góp chuyện người đời xưa để làm bài học cho
người đời nay! Chính từ trong những bài học ấy, nay xin kể chuyện Nghìn lẻ
một đêm với tất cả những điều màu nhiệm và những châm ngôn chứa đựng
trong đó.”
Khó mà thưởng thức đầy đủ tác phẩm văn học dân gian của một dân tộc
nếu không có những hiểu biết nhất định về lịch sử, triết lý và sinh hoạt của
dân tộc ấy. Rất nhiều truyện trong Nghìn lẻ một đêm xoay quanh những
chuyện xảy ra dưới triều đại của nhà vua có thực, nổi tiếng ở Bátđa vào cuối
thế kỷ thứ 8 và đầu thế kỷ thứ 9, vua Harun An-Rasit (786-809). Mặt khác,
mọi tiêu chuẩn về đạo đức, pháp lý… của người A Rập ngay cho đến bây giờ
vẫn cơ bản dựa trên kinh Côran. Bởi vậy, chúng tôi xin được giới thiệu sơ
qua với bạn đọc Việt Nam chúng ta một vài nét về thế giới A Rập và tổ chức
chính trị – xã hội của một đế quốc A Rập xưa kia, về đạo Hồi và người sáng
lập ra nó là Môhamét cùng với kinh Côran, Kinh Thánh tối thiêng liêng của
tôn giáo này.
Đạo Hồi (Ixlam) ra đời vào thế kỷ thứ 7 tại Arabi, người sáng lập là
Môhamét (hoặc Mahômết)
người thuộc bộ lạc Caraxít. Môhamét sinh ra ở
La Mếchcơ, thủ phủ nước Hếtgiadơ ở Arabi vào năm 570 (hoặc 580) và mất
ở Mêđin ngày 8 tháng 6 năm 632.
Mổ côi cha từ bé, lúc đầu Môhamét được ông nội nuôi, sau ở với chú. Lúc
còn trẻ, chuyên giúp việc hướng dẫn các đoàn du hành sa mạc. Về sau vào
làm công cho một người đàn bà góa giàu có, chủ một hiệu buôn ở La
Mếchcơ tên là Khađigia. Người phụ nữ này kết hôn với Môhamét tuy bà lớn
hơn ông nhiều tuổi. Nhờ đi đó đi đây nhiều, ông dần dần am tường giáo lý
đạo Do Thái, đạo Cơ Đốc và ngày càng say mê việc tu hành. Ông thường
lánh ở một nơi để suy ngẫm, đặc biệt về sự phán xét cuối cùng cũng như sự
xuất hiện của các nhà tiên tri. Theo truyền thuyết, một hôm ông nghe có
tiếng nói thiêng liêng từ trên trời vọng xuống giao sứ mệnh cho mình. Từ đó
ông tự cho là đấng sứ giả như nhiều đấng khác xưa kia được Thượng đế
tuyển chọn và giao cho sứ mệnh răn bảo dân lành lòng kính sợ đấng Ala và