CHUYỆN XINBÁT NGƯỜI ĐI BIỂN
Nàng Sêhêrazát kể:
- Tâu bệ hạ, vẫn dưới triều đại hoàng đế Harun An-Rasít, ở Bátđa có một
người khuân vác già tên là Hinbát.
Một hôm thời tiết oi nồng, lão vác một kiện hàng rất nặng đưa từ đầu này
đến đầu kia thành phố, đã thấm mệt mà đường thì vẫn còn xa. Lão đến một
phố gió thổi mát rượi, vỉa hè tưới nước hoa hồng. Không thể ước mong được
chỗ nào dễ chịu hơn để mà nghỉ ngơi và lấy lại sức, lão đặt kiện hàng xuống
đất rồi ngồi lên trên, ngay cạnh một tòa nhà lớn. Trong chốc lát, lão lấy làm
thú vị là đã dừng lại nghỉ chân ở chỗ này. Không khí ngào ngạt hương trầm
tỏa ra từ các cửa sổ tòa dinh thự, quyện với mùi thơm của nước hoa hồng.
Ngoài những thứ đó, lão còn nghe thấy trong nhà vang lên tiếng hòa nhạc.
Thêm vào đó là tiếng hát du dương của rất nhiều chim họa mi cùng nhiều
loại chim chóc khác đặc sản vùng Bátđa. Nhạc điệu êm đềm quyện với khói
thơm của nhiều loại thịt bốc lên, làm cho lão đoán chắc trong nhà đang có
yến tiệc và liên hoan. Lão muốn biết ai ở tòa nhà này. Lão chưa rõ lắm bởi vì
ít khi có dịp đi qua đây. Để thỏa tính tò mò, lão đến gần mấy người đầy tớ ăn
mặc rất đẹp đứng ở cổng và hỏi một người: chủ nhân của dinh thự này tên là
gì. “Ở kìa! – Người đầy tớ đáp. – Bác sống ở Bátđa mà không biết rằng đây
là nhà ngài Xinbát người đi biển, nhà hàng hải nổi tiếng đã đi khắp bốn biển
năm châu đó ư?”
Lão khuân vác đã từng nghe nói đến tài sản giàu có của Xinbát. Lão
không khỏi ganh tị một con người mà điều kiện sống sung sướng trái ngược
hẳn với hoàn cảnh thảm thương của lão. Đầu óc cay cú vì những suy nghĩ ấy,
lão ngước mắt nhìn trời và nói khá to để cho mọi người có thể nghe được:
“Hỡi Đấng tạo hóa thiêng liêng, xin hãy nhìn sự khác biệt giữa Xinbát và tôi
đây. Ngày nào tôi cũng chịu đựng muôn nghìn gian lao khổ cực, thế mà vất
vả lắm mới nuôi sống được bản thân và gia đình bằng bánh mì đen nuốt
không nổi, trong khi ngài Xinbát may mắn kia thì tiêu phí vô vàn của cải và
sống một cuộc đời nhung lụa. Ông ta đã làm gì để được cuộc đời êm đềm
như vậy? Tôi đã làm gì để chịu cảnh khốn khổ thế này?”
Nói xong giẫm chân xuống đất thình thịch như thể một con người hoàn
toàn mất trí vì khổ đau và tuyệt vọng.
Hinbát đang mải mê với những ý nghĩ sầu não ấy, thì một người hầu từ
trong dinh ra, đến nắm cánh tay lão và nói: “Mời bác đi theo tôi vào đây.
Ngài Xinbát chủ tôi muốn nói chuyện với bác.”
Hinbát không khỏi kinh ngạc về lời mời mọc đó. Sau những điều lão vừa
thốt ra, lão có lý do để sợ rằng Xinbát sai mời lão vào nhà nhằm gây chuyện