Thời thuộc Tấn, thế kỉ 3 và 4 SCN
. Vua Tấn kêu than: tiền
đồng của Tấn triều không hiểu sao hao hụt. Cho điều tra, thì
được biết: Dân phương Nam quẳng hàng xâu tiền đồng của Tấn
vào lò để đúc lại trống đồng.
Giữa đêm trường Bắc thuộc, thôn làng đất Việt vẫn gìn giữ
những trống đồng xưa còn sót lại và tiếp tục đúc thêm trống
đồng mới (và tiếp tục đúc thêm cả mũi tên đồng giết giặc).
Trống đúc xong, để ở giữa sân, mời toàn thể dân làng đến dự lễ
khánh thành. Một dịp tốt để xới vun tinh thần cộng đồng dân tộc.
Một cô gái làng đúc một chiếc thoa lớn, bằng vàng, bằng bạc
hay bằng đồng tuỳ theo gia sản, gọi là “thao trống đồng”. Cô gái
làng dùng thoa rung một hồi trống đồng khai mạc. Hồi âm của
thời đại vua Hùng dựng nước, thời độc lập tự do hay là tiếng trống
giục giã con Hồng cháu Lạc đứng dậy đấu tranh giành lại non sông,
đất nước? Có lẽ cả hai.
Còn cột đồng Đông Hán?
Truyện dân gian sau đó kể rằng: Mỗi người dân Giao Chỉ khi qua
chỗ dựng cột đồng lại ném vào chân cột một hòn đá. Lâu dần, đá
xếp thành đống thành non cao, vùi sâu chôn chặt cột đồng Mã
Viện.
Ngày sau, người thì bảo cột đồng ở dải núi “Phân Mao” động Cổ
Sâm, Quảng Đông; người thì đoán cột đồng ở trên núi Đồng Trụ, xứ
Nghệ; người lại bảo phải chăng cột đồng ở tận núi Ngũ Đồng Trụ,
tỉnh Phú Yên. Huyền thoại thì nhiều, song sự thực cột đồng nào
đâu thấy?
Với Ngô Quyền và chiến thắng Bạch Đằng, với nhà Đinh và
nước Đại Cổ Việt, nhà Lý và Đại Việt, Non Tản, Nhị Hà vẫn thuộc núi
sông ta.