nhìn ra giữa mặt bể mặt sông thấy nổi lên một vật giống như cái giỏ.
Chị em về mách bố ra xem. Dịt Dàng xem xong, cho người ra vớt,
nhưng không làm sao vớt được. Dịt Dàng liền sai thợ nhìn hình dáng
nó, lấy đồng đúc được trống trăm, trống nghìn. Trống nào đẹp,
Dịt Dàng sai cất vào kho, trống nào xấu, Dịt Dàng sai chú Khoá,
thằng Lồi đem bán khắp nơi”. Trống đồng là niềm tự hào của
người Việt cổ, là hiện vật điển hình của văn hoá Đông Sơn. Hợp điểm
về kĩ xảo tuyệt vời và nghệ thuật điêu luyện của người Việt thời
Hùng. Nghệ thuật tạo hình: Đúc và chạm tinh tế, tượng trưng và
biến hình độc đáo trong phong cách biểu hiện người, chim, thú và
cảnh vật. Nghệ thuật thanh âm: Tiếng trống trầm hùng bên tiếng
khèn tình tứ.
Theo nhịp trống giục chuông khua, hoà với cồng to, chiêng nhỏ,
từng đoàn người khoác áo lông chim hay đội lốt hươu, nai, tay cầm
rìu, cầm giáo say sưa trong điệu múa vũ trang rất khoẻ, rất hùng.
Ngày mùa rộn rã thôn làng, người người tay liềm, tay hái gặt lúa
vàng. Những lúc nghỉ tay hay trong đêm trăng sáng, gái trai lại rủ
nhau ra bãi cỏ, đồi cao, nắm tay ca múa theo nhịp trống đồng
rộn vang hoà với tiếng khèn êm dịu, thiết tha… Ông Đổng mà đúc
trống đồng, câu nói vần vè của dân gian xứ Bắc khiến ta có căn
cứ suy tưởng rằng trong chiến dịch trừ giặc Ân hung bạo đã rền
vang tiếng trống đồng xung trận.
Bầu trời, mặt đất, mặt biển xứ Văn Lang của các vua Hùng, xứ
Âu Lạc của An Dương Vương Thục Phán sôi động tiếng trống đồng
Lạc Việt.
Lịch sử sang trang, với bi kịch Mỵ Châu - Trọng Thuỷ, cơ đồ Âu
Lạc đắm biển sâu. Một đêm dài nô lệ.