Các em ruột ông - như lời sách cũ - cũng có sức “mang đá nặng
ngàn cân, hoặc cõng thuyền, chở nặng ngàn hộc đi xa hàng mười
dặm”.
Năm 766, anh em Phùng Hưng khởi nghĩa chống phong kiến
Đường. Khắp vùng hưởng ứng. Anh em ông chiếm vùng Đường
Lâm và các ấp chung quanh, giữ nơi hiểm yếu, tích trữ lương thực,
mộ thêm nghĩa binh, thế lực ngày càng mạnh, uy tín ngày càng
cao
Năm 791, theo lời khuyên của người đồng hương và đồng chí của
ông là Đỗ Anh Hàn, anh em Phùng Hưng cùng các tướng sĩ đem hàng
vạn quân tiến xuống bao vây kín phủ thành Tống Bình (nay là Hà
Nội) của bè lũ đô hộ.
Ba cô cháu gái ông tình nguyện theo giúp việc quân.
Cao Chính Bình - viên quan đô hộ chuyên hà hiếp bóc lột nhân
dân đem quân ra ngoài thành chống đỡ. Ác chiến bảy ngày đêm, lũ
quân tướng nhà Đường đại bại; xác giặc phơi đầy đồng.
Quân Đường kéo vào thành cố thủ. Cao Chính Bình lo sợ quá,
phát bệnh mà chết. Lũ quan tướng còn lại bị bao vây ráo riết đã
phải đầu hàng nghĩa quân.
Phùng Hưng vào phủ thành, chấn chỉnh mọi việc, xây dựng nền
tảng cho một quốc gia tự chủ. Nhưng chẳng bao lâu sau ông lâm
bệnh nặng rồi chết.
Nhớ ơn ông, nhân dân lập đền thờ ở quê nhà và ở vùng Thịnh
Hào (nay thuộc quận Đống Đa, Hà Nội). Người đời vẫn gọi là ông
Bố Cái Đại Vương.