Việc dân làng Việt Nam chống quân Nam Chiếu bảo vệ xóm quê
đến tai vua Đường. Để vớt vát chút uy thế tàn, vua Đường hạ chiếu
“khen” hào trưởng và nhân dân đất Việt. Và cử Cao Biền đem quân
sang An Nam đánh quân Nam Chiếu. Cao Biền, viên tướng giỏi của
Đường, nổi tiếng vì với một phát tên đã bắn rơi hai con chim trời
đang bay.
Cao Biền lại là tên phù thuỷ cao tay.
Dùng dằng hàng năm, Cao Biền mới tiến quân sang ta (865).
Dân Việt đánh, quân Đường đánh. Lần này quân Nam Chiếu thua
đậm, phải rút về nước.
Chẳng ơn thì chớ, tiết độ sứ “Tĩnh hải quân tiết trấn” Cao Biền
lại quay ra đàn áp nhân dân và các thủ lĩnh địa phương, cố dựng lại
ách thống trị của nhà Đường trên đất đai của một nhân dân “hay
phản loạn” này.
Cao Biền đến thành Đại La ở khu vực Hà Nội ngày nay, thêm
quân canh giữ, sục sạo nông thôn, lập sổ hộ khẩu, chỉnh đốn thuế
má. Nghe nói Cao Biền đã chia được nông thôn ta ra làm 159 hương.
Dưới hương, Biền muốn nhúng tay xuống xã, đã lập cả đại xã và
tiểu xã…
Hành quân đàn áp. Tổ chức chính trị thắt buộc chặt chẽ. Vơ vét
thuế khoá. Chưa đủ, Cao Biền còn giở ngón nghề phù thuỷ, nghề
thầy địa lí đào “long mạch” đất An Nam. Giặc tung tin Cao Biền có
tài “yểm âm binh”, có tài “cưỡi diều giấy” bay trên không để dò xem
các “huyệt đế vương”… và có tài yểm trừ thần thánh Việt Nam…
Cao Biền biết chăng đất Việt phương Nam là xứ sở của huyền
thoại và truyền thuyết đượm sắc màu yêu nước?