Thấy Bộ Lĩnh hùng cứ ở Hoa Lư, năm 951, Xương Văn, Xương
Ngập định đem quân đánh Bộ Lĩnh. Bộ Lĩnh muốn hoà hoãn, sai
con là Đinh Liễn vào triều cống nhà Ngô. Đến triều, Đinh Liễn bị
bắt ngay và bị đem theo quân Ngô đi đánh Hoa Lư. Hơn một tháng
trời, quân Ngô không thắng nổi Bộ Lĩnh. Xương Văn, Xương Ngập
sai treo Liễn lên ngọn tre, cho người bảo Bộ Lĩnh: “Nếu không hàng
sẽ giết Liễn”. Bộ Lĩnh giận dữ nói rằng: “Bậc đại trượng phu lẽ nào
lại vì con trẻ mà bỏ việc lớn?”. Liền sai hai mươi tay cung nỏ toan
bắn Đinh Liễn. Xương Văn, Xương Ngập kinh dị, phải thả Liễn ra và
đem quân về.
Thấy thế lực sứ quân Trần Lãm ở Bố Hải Khẩu rất lớn, Lãm
lại già nua, không có con trai, Bộ Lĩnh đem Đinh Liễn sang theo
Trần Lãm, làm con nuôi. Trần Lãm rất mến mộ Bộ Lĩnh, giao
toàn bộ binh quyền cho Bộ Lĩnh. Thế là cả một dải đồng bằng phì
nhiêu phía Nam vào tay cha con Đinh Bộ Lĩnh.
Đinh Bộ Lĩnh cùng con đem quân đánh các sứ quân khác, đánh
đâu thắng đó, liền tự xưng là Vạn Thắng Vương. Các sứ quân, kẻ bị
giết, kẻ về hàng Bộ Lĩnh. Năm 968, Trần Lãm mất. Toàn quyền
nắm trong tay Đinh Bộ Lĩnh. Năm ấy Bộ Lĩnh xưng đế, hiệu là Đại
Thắng Minh Hoàng Đế (sử cũ thường gọi là Đinh Tiên Hoàng).
Đất nước lại quy về một mối. Vua Đinh đóng đô ở Hoa Lư, đặt
tên là nước Đại Cồ Việt (nước Việt to lớn).