Cài), đến kì biết sống có trật tự (ông Cần), cuối cùng là lập nước
(Dịt Dàng). Ông Cài, ông Cần, Dịt Dàng cũng như Báo Luông, Sao
Cải không phải là những con người có thực, những con người có mặt
trong lịch sử. Họ chỉ là những con người của truyền thuyết, mỗi
người thay mặt cho một thời kì, một bước tiến lên của loài người.
Người còn có cánh nhưng chưa có lửa là con người mới sinh ra trên
mặt đất, còn giống con dơi, còn gần loài vật. Người đã mất cánh
nhưng đã có lửa là con người đã tiến lên một bước, đã thoát khỏi cuộc
sống của loài vật, đã có văn hoá.
Trong truyền thuyết, tổ tiên chúng ta không kể chuyện người
thực việc thực, mà chỉ nói lên bằng những lời chung nhất, những
bước đi của con người để xây dựng cuộc sống. Họ làm ăn kham khổ
giữa trời đất muôn vật, dưới sức tấn công của lũ lụt và ác thú. Họ
sống lam lũ, nhẫn nại rút từng kinh nghiệm nhỏ. Nhưng họ vẫn ước
mơ cho mai sau một cuộc sống tốt đẹp hơn. Những ước mơ ấy, họ
gửi gắm vào truyền thuyết. Ước mơ là tưởng tượng, mà trí tưởng
tượng của con người bao giờ cũng vượt xa sự việc thực hằng ngày.
Trong cuộc sống thực, làm gì có chuyện ông Cần trói bác Rùa Rậm
Rùa Rộc lại để tra khảo cách dựng nhà, làm gì có chuyện bác Ruồi
Trâu bay lên trời đánh cắp bí mật làm ra lửa. Nhưng, bằng những
câu chuyện tưởng tượng đó, tổ tiên người Mường đã kể cho đời sau rõ
họ đã khổ công như thế nào để chinh phục trời đất, khi dùng sức,
khi dùng mưu. Chuyện người chết ra đi, tay cầm một đoạn gỗ, để
rồi lại trở về, chỉ là chuyện tưởng tượng. Nhưng bằng câu chuyện
đó, tổ tiên của người Mãng đã ghi lại một suy nghĩ của họ về lẽ sống
chết của con người. Và nhờ những tích chuyện như vậy, chúng ta ngày
nay mới hiểu được ít nhiều cách suy nghĩ của người xưa.