Lưỡi rìu, lưỡi dao đã mài được nhẵn mặt, sắc cạnh, thì ngọn giáo,
mũi dao cũng được mài nhọn hơn, sắc hơn, lại nhỏ nhắn nhẹ nhàng,
lao phóng xa hơn, cắm sâu hơn vào con thú, làm nghề săn bắn
càng có hiệu quả. Những người đàn ông với cây cung và bó tên ngang
lưng, với những nắm lao, ngọn giáo lợi hại trong tay, tối đến trở
về, có khi ngoài những con thú đã chết, khiêng vác trên vai, còn lùa
về những con sói non ngờ nghệch, những chú lợn rừng non ngơ ngác
làm các em bé thích thú. Những thú nhỏ được chăm bẵm nuôi nấng.
Bầy chó, đàn lợn ấy lớn lên, cũng dần dần quen thuộc, quấn quýt
với người, không muốn về rừng nữa và trở thành con vật trong nhà.
Thế là con người đã thuần dưỡng được thú rừng, nghề chăn nuôi
xuất hiện, không những đem lại cho con người nguồn dự trữ về
thực phẩm mà còn cho họ thêm nhẹ nhàng khi tải đồ, thoải mái hơn
khi cưỡi lên những chú voi nhà.
Một điều kì lạ nữa mà người nguyên thuỷ thời đó chợt phát hiện ra
sau cơn kinh hoảng vì nạn cháy rừng, cháy nhà là những miếng đất
sét mềm mại mà các em bé nặn chơi thành nhiều hình dáng bị lửa
nung bỗng trở thành cứng rắn; nước mưa đọng lại mà không nhão,
không tan. Họ tò mò, cũng lấy đất sét thử nặn và vui tay lại vạch
vạch những hình trang trí ở mặt ngoài rồi bỏ vào lửa nung lên. Họ
sung sướng reo vui vì một sáng tạo vĩ đại thứ hai: họ đã làm ra đồ
gốm. Đồ gốm làm nồi, nấu chín thức ăn, nấu nước, làm vò đựng
lương thực, hạt giống không bị ẩm ướt, mọc mầm nữa… do đó càng
khiến họ yên tâm định cư, không phải luôn luôn lo tính chuyện dọn
nhà. Có nhà cửa đàng hoàng, có chó lợn nuôi trong nhà, đời sống
sung túc hơn nên họ càng ưa làm đỏm: thổ hoàng hoà với mỡ bôi lên
người vừa đỡ rét lại vừa làm nước da nâu đỏ bóng. Vỏ ốc biển lắm
màu đẹp mắt được xỏ lỗ xâu chuỗi để đeo ở cổ, ở tai, mái tóc và ở cả
đầu gối, bắp chân… Người chết chôn gần nhà, trong hang hay ở
bãi rác bếp đầy vỏ ốc hến. Họ để người đã mất nằm theo tư thế