đến lời thề Trưng Trắc và lễ thề Lũng Nhai thời Lê Lợi, cùng bài văn
hội thề giữa bọn bại tướng Vương Thông một bên và nghĩa quân Lam Sơn
chiến thắng một bên ở Thăng Long cuối năm 1427.
Sử cũng nói đến Hội thề đền Sơn Thần Đồng Cổ thời Lý, Trần,
Lê. Đời Lý, vua Lý Thái Tông phong tước vương cho thần núi Đồng Cổ,
dựng miếu để hằng năm cúng tế và làm lễ thề. Nguyên trước đây,
hôm trước ngày ba vương làm phản, vua chiêm bao thấy một người tự
xưng là thần núi Đồng Cổ nói với vua về việc ba vương Vũ Đức, Đông
Chinh, Dực Thánh làm loạn, nên bảo đem quân đánh ngay đi. Đến khi
tỉnh dậy, sai phòng bị, quả nhiên thấy ứng nghiệm. Nhớ ơn, vua xuống
chiếu cho dựng miếu thờ ở bên phải thành Đại La, liền sau chùa Thánh
Thọ. Lại lấy ngày 25 tháng ấy (tháng Ba) mà đắp đàn, cắm cờ xí, dàn
đội ngũ, treo gươm giáo, đến trước thần vị đọc lời thề rằng:
“Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần minh giết chết”. Các
quan từ Cửa Đông đi vào, đến trước thần vị cùng uống máu ăn thề. Từ
đó, hằng năm lấy làm lệ thường. Sau vì tháng Ba gặp ngày quốc kị (giỗ
Lý Thái Tổ) mới hoãn đến ngày mồng Bốn tháng Tư.
Đời Trần, hội thề tháng Tư đã là một phong tục vững chắc. Đến
ngày mồng Bốn tháng Tư, hoàng tử, tôn thất và các quan nội thị họp ở
miếu Sơn Thần thề không được thay lòng đổi dạ. Đó không chỉ là một
phong tục của vua quan, mà ngày mồng Bốn tháng Tư đã trở thành một
ngày hội lớn của nhân dân Thăng Long.