Thấy bóng cô thôn nữ một mình thấp thoáng trong ngàn dâu xanh
ngắt. Lý Thánh Tông lấy làm lạ, sai quân lính đòi cô đến trước xe hỏi
chuyện. Thôn nữ bước tới xe vua, quỳ tâu:
- Thiếp là con nhà nghèo hèn, phải làm việc đầu tắt mặt tối, phụng
dưỡng mẹ cha, không dám mong đi xem rước và nhìn mặt rồng.
Thấy cô gái xinh đẹp, ăn nói dịu dàng, ông vua hiếm con liền
truyền đưa cô về kinh (Thăng Long).
Vua sai xây một cung riêng cho cô ở (tương truyền sau này là chùa
Kim Cổ, nay là số nhà 73 phố Đường Thành, Hà Nội), đặt là cung Ỷ Lan
và gọi cô là Ỷ Lan Cung phi. Cái tên Ỷ Lan (dựa gốc lan) đặt ra để ghi lại
sự tích nhà vua gặp người đẹp đứng tựa gốc cây ngày nào bên quê Bắc.
Ít lâu sau, Ỷ Lan sinh con trai (sau là Lý Nhân Tông). Lý Thánh Tông
càng yêu quý nàng gấp bội. Nàng được tôn làm Ỷ Lan Nguyên phi (đứng
đầu các phi, sau hoàng hậu), con trai nàng được phong thái tử.
Năm 1069, Lý Thánh Tông cùng Lý Thường Kiệt cất quân đi đánh
giặc ở phương xa. Ỷ Lan được thay vua cầm quyền trị nước. Sử cũ chép
rằng: Bà Nguyên phi Ỷ Lan trị nước rất giỏi, khiến dân tâm hoà hiệp,
cõi nước thanh bình. Dân gian sùng đạo Phật, tôn bà là “Quân Âm nữ”
(Con gái đức Bồ Tát Quan Âm).
Lý Thánh Tông đánh giặc lâu ngày không thắng, quay trở về. Đến
châu Cư Liên (Tiên Lữ, Hưng Yên), vua hỏi thăm nhân dân, thấy nhân
dân hết lời ca ngợi tài trị nước của Ỷ Lan. Vua thở than: “Kẻ kia là đàn
bà, còn giỏi như vậy. Ta là đàn ông, lại tầm thường thế hay sao?” Lại
quay đi đánh giặc, và lần này thắng to.
Hai lần chống xâm lược Tống (1075 - 1077), vua Lý Nhân Tông còn
bé (lên 10 tuổi). Lý Thường Kiệt điều binh khiển tướng ngoài chiến
trường. Bà Ỷ Lan cùng Thái phó Lý Đạo Thành dốc sức lo việc triều
đình, việc hậu phương.