Ỷ
Lan rất hiểu những nỗi đau khổ của nông dân. Khi Lý Thánh Tông
mất, con bà lên ngôi, bà đã làm được một số việc có ích cho dân. Ở nông
thôn bấy giờ có nhiều phụ nữ vì nghèo mà phải bán mình (hoặc bị mẹ
cha buộc lòng phải đem bán), đem thân thế nợ, không thể lấy chồng
được. Bà Ỷ Lan đã lấy tiền bạc trong kho Nhà nước chuộc những người
ấy và đứng ra dựng vợ gả chồng cho họ.
Ỷ
Lan rất hiểu rằng đối với người dân cày “con trâu là đầu cơ
nghiệp”. Cho nên bà đã nhiều lần nhắc nhở vua phạt tội nặng những kẻ
ăn trộm trâu và giết trâu. Tháng Hai năm Đinh Dậu (1117), năm tháng
trước, khi bà mất, bà còn nhắc nhở vua một lần nữa: “Gần đây, người
kinh thành và làng ấp có kẻ trốn đi chuyên nghề trộm trâu. Nông dân
cùng quẫn. Mấy nhà phải cày chung một trâu. Trước đây, ta đã từng
mách việc ấy và Nhà nước đã ra lệnh cấm. Nhưng nay việc giết trâu lại
có nhiều hơn trước”. Lời khuyên vua trên đây chứng tỏ tuy Ỷ Lan sống
trong cung điện triều Lý, bà vẫn quan tâm theo dõi và lo lắng đến đời
sống nông dân. Vâng lời mẹ, Lý Nhân Tông hạ lệnh lùng bắt và trừng trị
bọn chuyên nghề ăn trộm trâu. Không những thế, việc giết trâu ăn thịt
những ngày giỗ đám... cũng bị hạn chế. Chính quyền Lý quy định ở
Thăng Long cũng như tại các địa phương trong cả nước cứ ba nhà lập một
“bảo”, kiểm soát lẫn nhau và cùng liên đới chịu trách nhiệm về tội lạm
giết trâu bò.
Giỏi giang chính trị, chăm sóc kinh tế và đời sống nhân dân. Ỷ Lan
còn học hỏi rộng, hiểu biết nhiều. Năm 1096, bà bày cỗ chay ở chùa
Khai Quốc (tức sau này là chùa Trấn Quốc ở Thăng Long), thết các
sư. Tiệc xong, bà ngồi kê cứu đạo Phật với các vị sư già học rộng. Bà hỏi
về nguồn gốc đạo Phật trên thế giới và ở nước ta. Bà có óc phán đoán,
đòi hỏi các sư “nói có sách, mách có chứng”. Chính nhờ câu chuyện giữa
bà và các vị sư thời Lý mà đến nay ta còn biết gốc tích sự truyền bá
đạo Phật vào nước ta.