Chiếu ban xuống, trăm quan bàn bạc, rồi tâu lên: “Bệ hạ vì thiên hạ
mà lập kế dài lâu, để trên thì cơ nghiệp to lớn được thịnh vượng, dưới cho
nhân dân được giàu của nhiều người, việc lợi như thế, ai dám không
theo”.
Vua mừng lắm, vội sai mấy viên quan tin cẩn, có tài đi lên Đại La
trước xem xét địa thế, đo đạc đất đai, đào hào đắp luỹ, sửa sang mở
rộng thành cũ, trù liệu vật dụng để xây cung điện mới.
Mùa thu, tháng Bảy, đoàn thuyền ngự cùng các thuyền hộ giá từ Hoa
Lư, theo dòng Hoàng Long sang sông Đáy, qua Hoàng Giang (Lý Nhân,
Hà Nam), rồi ngược nước Nhị Hà. Thuyền đi mất hai ngày, hai đêm,
đến sáng sớm ngày thứ ba thì tới kinh thành mới. Thuyền ngự tạm đỗ
trên bến Đông, dưới chân thành Đại La. Trong sắc nước mây trời lồng
lộng có ánh nắng ban mai rọi chiếu, vua chợt như thấy có rồng vàng
hiện ra gần thuyền ngự rồi bay lên lẩn khuất trong mây...
Nhân điềm ấy, vua phán truyền đặt tên kinh đô mới là “Thăng
Long Thành” - Thành phố Rồng Bay.
Đất vua ở là đất có rồng. Rồng ở nước là rồng còn ở ẩn, rồng
hiện rồi rồng bay là lúc thời cơ đã đến, rồng mây gặp hội, anh hào ra
tay... Vua đặt tên kinh đô mới như thế là có ý nghĩa lắm. Khí thế cả
nước đang lên cao, nhà vua quyết cùng toàn dân xây dựng một Đại Việt
cường thịnh ở chốn bao lơn này của đại lục kề biển khơi bốn mùa sóng
vỗ...
Nhân mùa khô, vua sai các quan đốc sức dân phu sửa đắp đê sông
Cái, sông Tô, sông Thiên Phù, sông Kim Ngưu nối liền nhau bao quanh
kinh thành mới hơn 60 dặm (hơn 30 km), vừa làm đê, vừa làm thành. Và
vẫn mang tên cũ Đại La Thành.
Bên trong, vua sai đắp hoàng thành, gọi là thành Long Phượng, lúc
này đây vẫn tạm đắp bằng đất, sau mới xây bó gạch trong ngoài. Sông
Nhị như dải đai áo đỏ ôm bao thành phố Rồng Bay. Núi Tản Viên xa xa
phía tây như chiếc án thư của kinh đô mới. Còn sông Tô và các chi lưu