M
ùa xuân, tháng Hai năm Canh Tuất (1010), Lý Công Uẩn vừa
được nước từ tay nhà Lê, từ kinh đô Hoa Lư trở lại thăm quê nhà
Cổ Pháp (Đình Bảng, Bắc Ninh). Buồm căng ba ngọn, ngược
nước Nhị Hà, thuyền rồng nhà vua ghé dừng ở bến Đông thành cũ Đại
La. Vua Lý cùng các quan lại theo hầu lên bộ, đi xem xét địa thế, ngắm
cảnh phố phường, thăm hỏi dân tình... Nhà vua tỏ ý đẹp lòng. Nơi đây lại
gần quê nhà. Vua cai trị muôn dân cả nước, nhưng vua cũng vẫn có một
chốn quê cha đất tổ, có bà con họ mạc xóm làng, thân cận hơn, tình
nghĩa hơn...
Về quê, vua thăm nhà xưa chốn cũ, thăm hỏi và biếu các bô lão lụa
và tiền. Lại đến vãn cảnh chùa xưa, nơi sinh, nơi học, tiếp kiến thiền
sư Vạn Hạnh, người cha nuôi, người thầy và từ nay là vị cố vấn đặc biệt
của nhà vua, bấy giờ đã bảy mươi tuổi thọ...
Về thăm quê lần này, ý định dời đô của nhà vua đã quyết. Hoa Lư
cảnh đẹp nhưng mà là cảnh đẹp hoa lau rừng núi. Hoa Lư thành hiểm
nhưng ẩm thấp chật hẹp, xa trung tâm đồng bằng, xa quê quán, chưa
xứng với cái thế đang vươn lên của quốc gia dân tộc Đại Việt.
Nhưng mà còn phải chờ mùa thu mát mẻ, nước rẫy. Và cũng chờ thăm
hỏi ý kiến các quan cho trên dưới thuận lòng.
Sau khi đã nghiền ngẫm kĩ, vua tự tay viết tờ chiếu dời đô thăm hỏi
ý kiến văn võ bá quan.