- Vận nước không may, anh hùng ôm hận. Thương thay, thương
thay!
Tướng sĩ Hoá Châu nhiều người tức giận, muốn tính chuyện trả
thù cho chủ soái, nói:
- Việc nước chưa xong lại nghe lời xu nịnh mà giết bề tôi trung,
vua thế để sao được!
Đặng Dung nghiêm sắc mặt mắng:
- Hiếu nhưng phải lấy trung làm trọng. Nợ nước chưa đền, giặc
thù còn kia, sao lại xui ta nghĩ đến chuyện nhà mà quên nợ nước.
Thế sao gọi là hiếu được!
Đoạn dịu giọng bảo:
- Nhà vua cầm cương mà không biết ngựa nào là ngựa hay. Dẫu
có nhọc lòng đến mấy cũng chỉ tốn sức. Ta đi thôi, tìm minh
chúa
mà tôn phù!
Dứt lời, cùng hai em dẫn quân bản bộ bỏ đi ngay. Cảnh Dị cũng
kịp đến hợp quân theo về Nghệ An. Đầu năm Kỷ Sửu (1409),
Đặng Dung, Cảnh Dị ra Thanh Hoá rước cháu nội vua Trần Nghệ
Tông là Trần Quý Khoáng vào Chi La (Hà Tĩnh) và lập làm vua. Quý
Khoáng lên ngôi đặt niên hiệu là Trùng Quang Đế, phong Đặng
Dung làm Đồng binh Chương sự, Cảnh Dị làm Thái bảo, Nguyễn Suý
làm Thái phó. Bấy giờ, ngoài Bắc thì có Trần Quỹ, ở Nghệ An thì
có Trần Quý Khoáng. Thấy thế, Đặng Dung mới bàn với Cảnh Dị
và Nguyễn Suý:
- Một nước mà hai vua thì lòng người khó theo. Giản Định và
Trùng Quang tuy là hai nhưng đều là con cháu một họ Trần. Nên