quân về, sợ rằng Kiềm Quốc công Mộc Thạnh binh ít không
địch nổi”.
Mãi sau này, xong việc Bắc chinh đánh Thát Đát (Mông Cổ),
đầu năm Quý Tỵ (1413), Trương Phụ mới dồn hết đại binh cùng
bọn Mộc Thạnh, Hoàng Phúc, Phương Chính, Tiết Tụ, Chu Vinh,
Trần Húc, Chu Quảng, Hoa Anh, Sư Hựu, Dương Hồng, quân đông
tướng mạnh chia hai đường thuỷ bộ đánh tràn vào Thanh Hoá, Nghệ
An, Hoá Châu. Nghĩa quân tan vỡ dần. Đặng Dung, Cảnh Dị,
Nguyễn Suý rước Quý Khoáng lui về Thuận Châu (Quảng Trị), bày
trận ở sông Ái Tử (một nhánh sông Thạch Hãn) để cự địch. Giặc tung
hết quân kị, quân thuỷ bộ ồ ạt tiến đánh. Quân ta chống lại
quyết liệt. Một đêm, Đặng Dung dẫn quân cảm tử dùng thuyền nhỏ
tiến thẳng vào đại bản doanh của Trương Phụ đánh úp. Quân Dung
phóng lửa đốt thuyền giặc rồi vác dao kiếm trèo lên chém giết.
Dung cưỡi một chiếc thuyền nhẹ xông trận, dùng cung tên bắn
ngã nhiều tên. Thấy một chiếc thuyền rất to, trên có lá cờ suý,
biết là thuyền Trương Phụ, Đặng Dung xách gươm nhảy sang định
bắt sống. Tiếc thay, Đặng Dung không nhận được mặt Trương
Phụ. Trong lúc Đặng Dung đang ngợ tìm, Trương Phụ nhanh chân lẻn
ra, nhảy vội xuống một chiếc thuyền con trốn thoát.
Sau bữa đó, Phụ căm tức thấu xương, càng thúc quân cố chết
mà đánh. Nghĩa quân thế yếu, quân ít, sau tan vỡ hết, bị bắt bị
giết rất nhiều. Đặng Thiết, em Đặng Dung cũng bị giặc bắt ở
trận ấy. Đến tháng Chín, Trương Phụ xua quân đánh dồn nghĩa
quân lên rừng sâu. Quân Trương Phụ bổ vây bốn phía, Đặng Dung
và em là Đặng Doãn, Nguyễn Cảnh Dị và Nguyễn Suý liều chết phá
vây, song không thành, đều lần lượt bị giặc bắt. Cảnh Dị bị thương
nặng vẫn chỉ vào mặt Trương Phụ mắng:
- Chính ta muốn giết ngươi bây giờ lại bị ngươi bắt!