Đến đời ông Lê Lợi là Lê Đinh và đời cha là Lê Khoáng thì cơ
nghiệp đã bề thế giàu có. Hai anh chết sớm, Lê Lợi một mình thừa
kế tất cả cơ nghiệp của ông cha để lại. Sinh ra phải thời loạn lạc, lớn
lên giữa buổi gian nan, căm giặc Minh cuồng bạo lấn hiếp, Lê Lợi
chuyên tâm đọc sách thao lược, lại dốc hết tiền của để hậu đãi
khách khứa, chiêu nạp kẻ hiền tài. Quân Minh biết tiếng, nhiều
lần lấy quan tước để dụ dỗ. Lê Lợi đều từ chối và càng nuôi chí
bền, ẩn giấu vào núi rừng, chăm nghề cày cấy. Ông thường nói
với mọi người xung quanh:
- Làm trai sinh ra ở đời nên cứu nạn lớn, lập công to, để tiếng
thơm muôn đời. Chứ đâu lại chịu bo bo làm đầy tớ người ta!
Hiềm một nỗi, bấy giờ quân thù đương mạnh. Họ Trần ở ngôi
cầm quyền gần hai trăm năm. Con cháu nhà vua là Trần Quỹ và
Trần Quý Khoáng đều xưng đế hưng binh, mưu lấy lại nước, có
lúc đã oanh liệt. Thế mà cũng không khỏi thất bại, ngôi báu nát
chìm. Huống chi, Lê Lợi lực lượng phỏng có là bao, anh hùng hào
kiệt theo về nào đã có mấy! Bởi thế, ông còn đắn đo suy xét lẽ
hưng phế, nghiền ngẫm kĩ binh thư, đợi thời cơ giết giặc.
Tương truyền, có người em họ của Lê Lợi là Lê Thận một hôm đi
đánh cá ở sông Chu. Thận chèo thuyền ra sông thả lưới. Lát sau kéo
lên, thấy nằng nặng Thận đã có ý mừng. Tưởng được mẻ cá lớn,
không ngờ chỉ có một thanh sắt nằm trong lưới. Lê Thận bực mình
bèn quăng xuống sông rồi chèo ra chỗ khác quăng lưới. Lại kéo
phải thanh sắt ấy. Đến lần thứ ba, Thận lạ lắm, cầm thanh sắt
lên xem. Té ra một lưỡi gươm trên khắc bốn chữ, hai chữ đã mờ
không rõ, còn hai chữ kia Thận đọc được là Thuận Thiên. Lê thận
nghĩ thầm:
- Thuận Thiên là tuân theo mệnh trời. Cứ như ý này tất sắp có
minh chúa ra giúp dân dẹp loạn.