quá sâu. Vì sự trả thù, vì cứu vớt lấy thể diện của một nước lớn, vua
nhà Minh tất phái binh sang. Như thế, cái vạ binh đao biết đến
bao giờ cho dứt được? Chi bằng ta nên thừa lúc này, kẻ kia lâm vào
thế cùng mà cùng họ hoà hiếu, để tạo phúc cho cả sinh linh hai
nước.
Lê Lợi nghe theo, bảo:
- Quan hành khiển có thể vì ta vào thành Đông Quan chuyến
nữa, mà giập ngòi lửa chiến tranh?
Nguyễn Trãi lĩnh mệnh, vái lạy lui ra, sửa soạn đi ngay. Vương
Thông được tin báo thì mời vào. Thông vốn chẳng ưa gì Nguyễn
Trãi, nhưng thấy Trãi ung dung tay không, theo sau chỉ có mấy
quân hầu mà đi đứng rất đàng hoàng, ăn nói đĩnh đạc, thì bất giác
thầm kêu lên trong lòng:
- Nước Nam có người như Trãi, ta làm sao lấy được!
Chủ khách phân nhau chỗ ngồi, Nguyễn Trãi nói luôn:
- Trước đây đã giao ước hoà giải, không những lòng của chúng tôi
và của các ông đều được yên mà cả đến lòng quân sĩ hai nước đều
thế. Ai cũng vui mừng nhảy nhót, tự bảo rằng: cả Nam lẫn Bắc từ
nay trở đi đều được vô sự. Tại sao các ông Phương, Mã
cố giữ ý
riêng của mình, đến nỗi làm ngăn trở việc hoà ước của hai bên? Ví
bằng việc hoà giải đã xong thì ngày nay tất Liễu Thăng không đem
thân đến đây mà bỏ mạng. Thế là hoà hay đánh, lợi hại đã rõ ràng.
Nay nếu các ông lại theo đúng giao ước xưa, chúng tôi sẽ xin lui
quân về Thanh Đàm, Ái Giang; lại sửa sang đường sá, cung cấp
lương thực không thiếu thứ gì, để cho các ông thung dung trở về
nước. Đấy chính là lòng thành của chúng tôi muốn mưu việc lâu
dài, trên thì thuận lòng hiếu sinh của trời, dưới thì cứu nhân dân
khỏi nước sôi lửa bỏng.