Trương Phụ tâu:
- Kiềm Quốc Công và An Viễn Hầu làm được việc ấy.
Kiềm Quốc Công Mộc Thạnh, An Viễn Hầu Liễu Thăng là hai
viên tướng lão luyện, dưới triều Minh Thành Tổ đã từng theo
Trương Phụ sang Giao Chỉ diệt nhà Hồ, đàn áp cuộc khởi nghĩa của
Trần Quỹ và Trần Quý Khoáng. Riêng Liễu Thăng lại đã ba lần
Bắc chinh lập nhiều công lớn.
Tuyên Tông nghe bọn Trương Phụ bàn vậy thì ưng ý, bèn hạ
chiếu sửa soạn đưa mười lăm vạn quân, ba vạn ngựa chia hai đường
sang cứu viện. Đại quân do Liễu Thăng lĩnh chức tổng binh, mang
ấn Chinh lỗ phó tướng quân dẫn mười vạn binh theo đường Quảng
Tây tiến sang. Cánh kia do thái phó Kiềm Quốc Công lĩnh chức
tổng binh mang ấn Chinh Nam tướng quân cầm năm vạn quân
theo đường Vân Nam tràn xuống. Việc ấy là vào cuối mùa xuân
năm Đinh Mùi (1427).
Bấy giờ, ở nước ta, được tin Minh Tuyên Tông sắp sửa điều
binh sang cứu bọn Vương Thông, Lê Lợi lập tức hội quân tướng lại,
mở cuộc duyệt binh ở Vĩnh Động (Hải Dương). Trên bờ sông, Lê Lợi
sai đắp đàn cao. Dưới chân đàn là đội thị vệ mới tuyển, hai trăm lực
sĩ gươm tuốt trần trấn giữ. Mấy vạn quân bộ, quân nào vệ ấy
hàng ngũ chỉnh tề, giáo mác rực trời. Lại có các xe đánh thành mới
đóng theo kế của người ở Đường An (Hải Dương) là Võ Cự Luyện
cũng sắp sẵn thành hàng. Dưới sông, mấy trăm chiến thuyền đậu
kín cả một khúc sông, buồm giương cờ cắm, nghi vệ rất oai
nghiêm. Lê Lợi lên đàn cao hiểu dụ tướng sĩ:
- Xưa kia họ Hồ lỗi đạo, giặc Minh thừa cơ sang xâm lược, bắt
dân ta phải chịu sưu cao thuế nặng, hình phạt hà khắc. Các ngươi
đều mắc vòng bạo ngược của chúng nên mới cùng nhau đứng dậy