việc thiếu chất hóa học nào đó trong cơ thể, như tôi đã đọc trên mạng về
“nỗi buồn cưỡng chế.”
Hôm nay tôi không buồn. Chỉ là một trong những giai đoạn bình thường
mà tất cả chúng ta trải qua trong đời. Tôi nhớ khi lớp tổ chức tiệc chia tay
thời trung học; chúng tôi cười đùa suốt hai tiếng đồng hồ, rồi sau đó, vào
phút cuối, chúng tôi lại khóc rưng rức vì biết mình sẽ chia tay mãi. Nỗi
buồn đó kéo dài chừng vài ngày hoặc vài tuần, tôi không nhớ lắm. Nhưng
chỉ riêng việc tôi không còn nhớ thôi đã nói lên một điều hết sức quan
trọng: chuyện đó đã qua rồi. Bước sang tuổi ba mươi thật khó khăn, và có
lẽ tôi chưa sẵn sàng.
Chồng tôi lên gác cho lũ trẻ đi ngủ. Tôi rót cho mình một ly vang, và ra
vườn.
Trời vẫn gió. Thứ gió chúng tôi biết rõ; nó có thể thổi trong ba, sáu, thậm
chí chín ngày. Ở Pháp - một quốc gia lãng mạn hơn Thụy Sĩ - người ta gọi
loại gió này là gió mistral và kèm theo nó luôn là tiết trời lạnh và quang
mây. Đã đến lúc nhìn những đám mây tan ra. Ngày mai trời sẽ nắng.
Tôi nhớ lại cuộc trò chuyện trong công viên và nụ hôn ấy. Tôi không
cảm thấy tiếc gì cả. Tôi đã làm điều mà trước đây mình chia hề làm, và
chính điều đó bắt đầu phá vỡ bức tường đang giam hãm tôi.
Thực ra Jacob König đang nghĩ gì cũng chẳng quan trọng. Tôi không thể
mất cả đời mình để cố làm vừa lòng người khác.
Tôi uống nốt ly rượu rồi rót tiếp, và lần đầu tiên trong nhiều tháng, tôi
tận hưởng khoảnh khắc bản thân không cảm thấy thờ ơ hay vô dụng.
Chồng tôi xuống nhà, mặc đồ chuẩn bị đi tiệc, và hỏi tôi bao lâu mới
chuẩn bị xong. Tôi quên khuấy mất chúng tôi đã lên kế hoạch đi nhảy tối
nay.
Tôi chạy vội lên tầng và khi trở xuống, tôi thấy cô trông trẻ người
Philippines đã đến và rải sách vở trên bàn phòng khách. Lũ trẻ đã lên
giường ngủ nên cô ta tranh thủ học. Cô bé dường như ác cảm với ti vi.