năng, đã bắt đầu sụp đổ khi nhu cầu an toàn của tôi tăng dần. Sao lại có thể
như vậy? Hẳn đó là đặc tính chúng ta kế thừa từ tổ tiên sống trong hang
động: sống bầy đàn sẽ được bảo vệ; sống đơn lẻ sẽ bị tàn sát.
Dù chúng ta đều biết rằng ngay cả khi sống bầy đàn, ta cũng không thể
kiểm soát mọi thứ - giả như, rụng tóc hay một tế bào trên cơ thể bỗng nhiên
rồ lên và biến thành một khối u. Nhưng cảm tưởng mình được an toàn
khiến chúng ta quên đi điều này. Càng nhìn rõ bức tường chắn của cuộc đời
mình thì càng tốt. Ngay cả khi đó chỉ là những giới hạn tâm lý, ngay cả khi
trong sâu thẳm, chúng ta biết rằng cái chết sớm muộn cũng sẽ đến mà
không hề xin phép, thì việc cứ vờ như chúng ta kiểm soát được mọi thứ
cũng mang lại chút khuây khỏa.
Gần đây, đầu óc tôi khá phản trắc và xáo động, như biển cả. Giờ nhìn lại,
tưởng như tôi đang thực hiện một hành trình xuyên đại dương trên một
chiếc bè thô sơ giữa mùa dông bão. Tôi có vượt qua được không? Tôi hỏi,
lúc này không còn đường quay lại nữa rồi.
Dĩ nhiên tôi sẽ vượt qua.
Tôi từng đương đầu với bão tố từ trước đó. Tôi cũng đã lên danh sách
những việc cần chú tâm mỗi khi cảm thấy có nguy cơ lại rơi vào lỗ đen:
— Chơi với bọn trẻ. Đọc cho chúng nghe những câu chuyện mang lại bài
học cho chúng và cả cho tôi, bởi những câu chuyện là không có tuổi.
— Ngắm nhìn bầu trời.
— Uống thật nhiều nước khoáng lạnh. Điều đó có vẻ hết sức đơn giản,
nhưng nó luôn tiếp thêm sinh lực cho tôi.
— Nấu ăn. Nấu ăn là một trong những nghệ thuật đẹp nhất và toàn diện
nhất. Nó cần đến cả năm giác quan, thêm vào đó - nhu cầu thể hiện những
gì tốt nhất của bản thân. Đó là liệu pháp được tôi ưu tiên.
— Viết ra danh sách những thứ phiền phức. Đây là một khám phá vĩ đại!
Mỗi lần cảm thấy bực bội chuyện gì đó, tôi lại viết ra. Cuối ngày, khi đọc
danh mục ấy, tôi nhận ra mình bực bội chẳng vì lý do gì cả.