Tôi cứ tưởng nó sẽ về nhà ngay. Nhưng nó lại lôi tôi đi sục sạo khu
rừng để tìm phá những chiếc bẫy thú.
Con Rùa rất giỏi trong việc khám phá những chỗ cánh thợ săn đặt bẫy.
Chỉ nhìn các trái ngô cột lủng lẳng trên cành, những vạt đất lá khô dày đặc
một cách bất thường, những loại dây thép to bản buộc khả nghi vào thân
cây, những vùng cây cối nham nhở dấu rìu hay dao rựa, nó biết ngay đó là
khu vực nguy hiểm của bọn thú.
Có nhiều loại bẫy khác nhau dành cho các loại thú khác nhau, con Rùa
bảo tôi thế. Có loại bẫy bằng dây cáp bám vào thân cây. Có loại bẫy bằng
lưới cước. Có loại bẫy bằng cầu treo. Bẫy chọt. Bẫy cò ke…
Con Rùa không cho tôi phụ nó. Nó sợ tôi bất cẩn sẽ bị dính bẫy. Tôi
đành đứng một bên lôi nắm xôi trong mo cau ra ăn, vừa nhìn nó phá bẫy.
Hôm đó con Rùa chỉ chịu ra về khi không còn sức để lùng sục nữa.
Tôi cầm nắm xôi, con Rùa cầm mấy củ khoai, chúng tôi vừa đi vừa ăn,
chân lần theo lỗi cũ để ra khỏi rừng.
Lạ lùng là tôi không thấy mệt. Tôi chỉ sợ chạm trái ông Bảy Thành và
các người bạn của ông. Nhưng đi một quãng xa, khi lối mòn đã bắt đầu
hiện ra trong tầm mắt như một đường kẻ trắng trên cỏ xanh, chúng tôi vẫn
không thấy một bóng người. Những cành trắc bá, xà cừ và du sam vẫn reo
vi vu trong gió và phủ xuống lối đi một bóng mát yên bình. Có lẽ hôm đó
không phải là ngày bọn họ đi săn hoặc đi thăm bẫy.
Bây giờ thì tôi tin chắc con Rùa chính là thủ phạm đột nhập vào nhà
ông Bảy Thành hôm trước để phá hỏng túi thuốc nhồi của ông. Nhưng tôi
không hỏi nó. Tôi chỉ thấy lo.
Mãi khi ra gần đến cửa rừng, tôi mới buột miệng: