gọt được chuôi. Nhiều khi đi đám, mặt sạm đen, cúi gằm không dám nhìn
ai.
Vậy mà chưa hết. Thằng thứ ba, có vẻ trí thức, nền nếp nhất nhà, lại ăn
phải bả thằng anh thứ hai, dính xì ke. Thật chán mớ đời. Bao nhiêu ước
vọng của đời ông đã dồn vào nó. Được vào học khoa nhạc dân tộc của Học
viện Âm nhạc đâu phải chuyện đùa. Nếu không phải là con nhà nòi thì cũng
là con ông cháu cha, chứ bỡn. Tam khoanh tứ đốm, cạy cục các cửa, lại có
bạn chiến đấu ngày xưa làm chân tổ chức trong Viện, ông Thạch mới đưa
được thằng Ba vào học môn kéo nhị. Ra trường, hiển nhiên nó trở thành
nghệ sĩ. Tha hồ mà trời Âu đất Mỹ. Nhạc cổ điển, nhạc hiện đại Jazz, Rốc,
bén gót thế giới còn mệt. Nhưng nhạc dân tộc, cứ đàn bầu, đàn tranh, sáo,
nhị, sênh tiền... thì thiên hạ chạy dài, sánh thế nào với Việt Nam mình
được. Ông Thạch đã nhắm sẵn rồi, tốt nghiệp ông sẽ lo cho về Đoàn chèo
Cổ Phong, nơi ngày xưa ông đã có những năm tháng đi kéo phông màn,
còn khối người dây mơ rễ má thân thuộc. Bệ phóng đã xây sẵn, chỉ việc vút
lên trời.
Vậy mà thằng Ba suốt đời sẽ không nhìn thấy bệ phóng. Vừa học nó vừa
a dua bạn bè đi kéo nhị đám ma, đi hát hầu bóng cô đồng. Rồi bập vào cờ
bạc, nghiện hút. Trong vòng một năm nó lừa lấy hai chiếc xe Dream Thái
và Suzuki, một của khách hàng rửa xe của thằng anh, một của bà cô ruột
trên phố Hàng Gà. Nó "đột vòm" xoáy gọn một dàn vi tính của cơ quan gần
trường mang ra hiệu cầm đồ để lấy tiền hút chích. Đời mày thế là tàn rồi
con ạ. Ông Thạch khóc vái sống con và nói với nó như thế trước khi tiễn nó
đi trại cải tạo cai nghiện. Hai năm, hết hạn cải tạo, thằng Ba về nhà với một
bộ mặt hoàn lương. Ông Thạch mừng hơn bố mình sống lại, bàn với bà bán
thổ đất ở cuối cùng xây cho nó ngôi nhà mái bằng rồi cưới ngay cho nó một
cô vợ. Cô vợ thằng ba người tít tận trong núi đá vôi Chân Chim Đồng Mít
quê ngoại bà Thạch. Vùng này cho đến giờ vẫn chưa có điện. Dân cư thuần
chất, chân chỉ hạt bột, thật thà như đếm. Cũng là vì họ chưa biết cái lý lịch
bất hảo của thằng con trai ông nên mới thả con gái vào hang cọp. Quả
nhiên chỉ được ba bảy hai mươi mốt ngày êm thấm, lại chứng nào tật ấy.