người yêu cười tinh nghịch. Liếc mắt qua, ông đã thầm khen con gái có con
mắt xanh. Ông bảo chàng thạc sĩ: "Bác tin anh là người tử tế. Nếu thực lòng
thương yêu em Vân thì mời bố mẹ xuống đây. Bác cho không cô cử nhân
ngoại ngữ đấy".
Từ ngày Vân lấy chồng, rồi có con, ông Thạch chưa một lần vào Nha
Trang. Tháng trước Công ra Hà Nội đăng ký đề tài làm luận án tiến sĩ, ghé
thăm bố mẹ vợ, biếu vợ chồng ông Thạch một phong bì ba triệu đồng.
"Thưa bố mẹ. Đây là tiền hai vé máy bay Hà Nội - Nha Trang. Nhà con bảo
đưa bố mẹ để mua vé vào Nha Trang chơi với vợ chồng con và thằng cháu
Cán". Ông Thạch phát hoảng: "Cưỡi một tấn thóc vào Nha Trang thì bố
chẳng chơi. Cứ cầm về đi. Để bố tính. Nếu tiện bố sẽ đi tàu hỏa vào với
cháu".
Là nói thế cho vợ chồng con cái nó khỏi tủi. Chứ đi tàu hỏa cũng mất bạc
triệu. Nửa tấn thóc là ít: phí. Hàng năm vợ chồng đưa con ra thăm ông bà là
được.
Ông Thạch vừa muốn đi Nha Trang, vừa tiếc tiền. Đang lưỡng lự toan
tính, thì đùng một cái xảy ra sự việc vợ chồng thằng Ba.
Con vợ thằng Ba không chịu được cái án sáu năm tù của chồng. Nhưng
phải nói rằng cô Mịn, con dâu ông, chẳng có gì đáng chê trách, thậm chí nó
là đứa con gái ngoan, nết na, hiền thục. Lúc nào cũng đắm đuối vì con,
hàng tháng xăm xái đi tiếp tế cho chồng. Suốt ba năm, nhìn thấy cô con dâu
hừng hực như quả bom nổ chậm là ông nơm nớp lo, nhưng rồi ông lại thầm
cám ơn hồng phúc nhà ông đã cho vợ chồng ông một cô dâu hiền thảo.
Thời kỳ chiến tranh trước đây đã đi một nhẽ. Chồng ra trận, vợ phải có
nghĩa vụ tu thân tề gia, phụng dưỡng bố mẹ, chờ chồng, nuôi con. Nhưng
nay thì khác rồi. Đàn bà có thì, có thời. Tôi nín nhịn chờ anh sáu năm. Anh
về, rồi nhỡ ngựa quen đường cũ, lại đi, thì đời tôi ra bã...
Quả nhiên sang đến năm thứ tư thì Mịn nổi loạn. Mịn mang con về quê
ngoại rồi đi biền biệt. Bảo là đi buôn, chứ ai biết đi đâu. Có người thấy Mịn
quần Jean áo hai dây, ngực ngồn ngộn nõn nà, cặp kè với một anh chàng ria