thương Phi như con ruột. Phi từng trọ học ở nhà tôi gần tròn năm. Có lần
nó về thăm nhà, rồi không trở lên học nữa. Dì Tư kể, lần đó nó đem cây
cúp móng tay về, nằng nặc đòi cắt cho ba má. Khi nâng cái chân của dượng
lên, nó rớt nước mắt. Những móng chân thúi sạm, kẽ chân nước ăn lở đến
tận xương. “Con thấy ba má con cực khổ con chịu không nổi, dì Hai à”, Phi
trở lên lấy đồ, từ giã bạn học, từ giã cả nhà chúng tôi, má tôi khóc.
Rồi dượng Tư chết, thằng Phi là trụ cột trong nhà chống đỡ cho người
mẹ với hai đứa em gái. Mùa mưa nó xoay trần với mười tám công ruộng.
Trở bấc là nó lang bạt kỳ hồ. Nó sắm dàn nhạc cũ đi hát phục vụ đám tiệc.
Ban nhạc nhỏ, gồm sáu bảy người trong xóm, già có, trẻ có, vừa đờn vừa
ca. Phi có giọng ca hay nức tiếng nên ban nhạc của nó khá đắt khách. Nói
Phi ai cũng buột miệng khen “Thằng đó ca mùi rụng rún”. Trăm ngã sông,
ngàn ngõ xóm, Phi rành đất này như ông thổ địa. Có lần nó rủ tôi đi chơi
cho biết, dặn “về đừng viết báo nghe cha nội!” nhưng tôi không kìm được,
viết ngay về loại hình sinh hoạt văn hóa nông thôn này. Lần ấy, tôi phát
hiện ra, Phi càng uống say càng ca thần sầu. Lời ca rõ tiếng vành vành, làn
hơi ấm áp. Giọng ca của nó không giống út Trà Ôn, Minh Cảnh hay Minh
Vương, chỉ là của Phi thôi. Nó thuộc nhiều bài nhạc, bài cải lương, nhiều
vô kể. Tôi ngạc nhiên về một thằng Phi mặc áo phèn đi cắm câu với một
thằng Phi nghệ sĩ mặc cái quần kaki mười hai túi trên sân khấu lót bằng bộ
ván ngựa. Khuya, Phi rủ tôi xuống ghe nó nằm, nó gác chân lên bụng tôi,
kê tay làm đầu gối.
- Mày hát hay vậy sao không kiếm dịp đi thi?
Nó cười :
- Thôi, giọng ca tao, thiếu sông, thiếu nước, coi như hết hay rồi.
Tôi ngó sao trời, lan man một nỗi sợ hãi mơ hồ, có người thợ xây
không xây nổi cho mình ngôi nhà, có người thợ mộc nằm đất ngủ lạnh, Phi
chuyên hát phục vụ đám cưới cho người ta, bao giờ mới hát cưới mình đây?