CHƯƠNG XXII
Quán Hình ảnh Đức Bà
Lúc hai giờ chiều ngày hôm sau, năm mươi ngàn khán giả đã đứng đông
nghẹt ở quảng trường, chung quanh hai cây cột treo cổ dựng lên giữa bến
Grève và bến Pelletier cái này sát bên cái kia, dựa lưng vào thành bờ sông.
Từ sáng sớm, tất cả những người có nhiệm vụ chính thức loan tin trong
thành phố Paris đã đi khắp các khu phố, nhất là những khu chợ và khu
ngoại ô, thông báo bằng giọng vang rền không mệt mỏi của họ tin Nhà vua
cho thi hành công lý đối với hai tên tham nhũng, hai tên ăn cắp của công
làm cho dân chúng đói khổ. Và dân chúng, mà quyền lợi được Nhà vua
bênh vực một cách nồng nhiệt như vậy, đã rời cửa tiệm, gian hàng và cơ
xưởng để đi bày tỏ một chút lòng biết ơn đối với Louis XIV, giống như
những người khách được mời sợ mình tỏ ra vô lễ nếu không đi đến nhà của
kẻ đã mời mình.
Theo nội dung của sắc lệnh được những người loan tin đọc lớn cho dân
chúng nghe thì hai kẻ thâm lạm tiền bạc của Nhà vua, lạm dụng quyền thế
và làm bạc giả sẽ bị xử tử hình ở quảng trường Grève, “với tên của chúng
dán lên đầu” - sắc lệnh nói như thế. Nhưng sắc lệnh không hề nhắc đến
những cái tên.
Sự tò mò của người dân Paris lên đến tột độ, và như chúng tôi đã nói,
một đám công chúng đông nghẹt đang nóng ruột đứng chờ đợi giờ được ấn
định cho cuộc hành hình. Có tin lan truyền rằng hai người tù đã được
chuyển đến lâu đài Vincennes, sẽ được đưa từ nhà ngục này đến quảng
trường Grève. Do đó khu ngoại ô và con đường Saint Antoine tràn ngập
những người đi xem, bởi vì dân chúng Paris, trong những ngày có tử tội bị
hành hình, được chia thành hai hạng người: Những người muốn nhìn thấy
tử tội đi qua - đây là những người nhút nhát, hiền lành, nhưng có đầu óc