— Vâng, đúng vậy và em xin thú thực với Lệnh Bà rằng chồng em…
— Chồng em không có, em muốn nói thế chứ gì.
— Có chứ ạ, chồng em có, nhưng ông ấy keo kiệt lắm, đó chính là tật
xấu của ông ấy. Tuy nhiên Lệnh Bà đừng lo, chúng ta sẽ tìm cách…
— Chính là vì ta cũng không có - Hoàng Hậu ngắt lời (Những ai đã đọc
những tập hồi ký của bà De Motteville sẽ không ngạc nhiên thấy trả lời như
vậy) - nhưng đợi đã...
Hoàng Hậu chạy đến hộp đồ nữ trang của mình, và nói:
— Đây em cầm lấy, đây là chiếc nhẫn theo người ta cam đoan có giá trị
rất lớn. Nó vốn của anh ta, Nhà Vua Tây Ban Nha, nó đã là của ta và ta có
thể tùy ý dùng nó. Em hãy cầm chiếc nhẫn này bán lấy tiền để chồng em ra
đi.
— Trong vòng một tiếng đồng hồ, lệnh của Hoàng Hậu sẽ được thi hành.
— Em nhìn rõ địa chỉ chứ - Hoàng Hậu nói nhỏ thêm, chỉ vừa đủ nghe -
Gửi Huân Tước Quận Công De Buckingham ở Londres.”
— Bức thư sẽ được trao tận tay cho Huân Tước.
— Em nhỏ thật là hào hiệp! - Anne D’Autriche reo lên.
Bà Bonacieux hôn đôi tay của Hoàng Hậu, giấu bức thư trong nịt ngực
và biến mất nhẹ nhàng như một cánh chim. Mười phút sau, nàng đã về đến
nhà. Như nàng đã nói với Hoàng Hậu, từ lúc chồng nàng được trả tự do
nàng chưa về thăm. Nàng không biết gì về sự thay đổi đã diễn ra trong lòng
ông ta đối với Giáo Chủ, sự thay đổi ấy đã được củng cố vững chắc thêm
sau hai hay ba lần viếng thăm của Bá Tước De Rochefort và ông ta đã trở
thành bạn tốt nhất của Bonacieux, đã không tốn công mấy làm cho
Bonacieux tin rằng việc bắt cóc vợ ông chẳng phải do một tình cảm tội lỗi
nào mà chỉ là một việc phòng ngừa chính trị.
Nàng thấy ông Bonacieux chỉ có một mình. Con người khốn khổ đó đang
vất vả thu dọn lại nhà cửa mà ông ta thấy đồ đạc gần như gãy vỡ hết và tủ
giá gần như rỗng không. Công lý không hề là một trong ba điều mà vua
Salomon
đã chỉ ra là không để lại một vết tích gì trên đường đi của nó.
Còn như cô hầu gái thì cô ta đã trốn mất từ khi chủ bị bắt giữ. Sự kinh