— Có dấu khẩn trên văn thư. Chắc ông thấy phải không?
— Khẩn! Thật đẹp mắt! Thằng kia ở đây đã mười năm, thế rồi người ta
khẩn trương thả hắn ra, bắt buộc trong đêm nay, vào lúc tám giờ tối.
Rồi Baisemeaux nhún vai một cách trịnh trọng kiêu kỳ, ném tờ lệnh lên
bàn, đến ngồi bàn ăn tiếp, miệng nhồm nhoàm nói:
— Họ luôn luôn hành động theo cách đó. Một ngày đẹp trời nào đó
người ta túm một kẻ, nuôi hắn trong mười năm và viết cho anh: “Để mắt kỹ
đến thằng đó” hay là: “Siết chặt hắn đi”. Thế rồi khi anh đã có thói quen coi
tên tù như một kẻ nguy hiểm, bỗng nhiên người ta lại viết cho anh: “Thả
hắn ra”, mà không cho biết nguyên cớ, không có lời báo trước. Lại còn ghi
thêm “Khẩn”. Tôi phải thú nhận với ngài rằng, thật chẳng ra cái gì cả.
Aramis nói:
— Làm sao bây giờ. Cứ la hét đi nhưng phải thi hành.
— Đúng, đúng, tôi thi hành. Nhưng phải từ từ. Ngài chớ tưởng tôi là một
tên nô lệ.
— Nào, ai có dám nói ông Baisemeaux thân mến thế đâu. Ai cũng biết
ông cứng cỏi mà.
— Ơn Chúa!
— Và ai cũng nói ông có lòng tốt.
— A! Còn gì nữa?
— Nói ông tuân lệnh người trên. Ông thấy không. Khi đã vào quân đội
rồi thì đó là cả cuộc sống đấy.
— Bởi vậy cho nên tôi phải răm rắp nghe theo và sáng mai, sáng sớm
mai tôi sẽ thả người ấy.
— Tại sao không là tối nay, vì văn thư có đóng dấu khẩn cả ngoài lẫn
trong?
— Tại vì chúng ta đang dùng bữa và cũng đang gấp.
— Ông Baisemeaux thân mến ơi, dù mang giày nhà binh nhưng với tôi
tấm lòng khoan dung bác ái cũng quan trọng như cái đói và cái khát. Con
người khốn khổ kia đã phải chịu đựng lâu ngày rồi, mười năm như ông nói
đó. Thôi thì cho hắn bớt khổ đi thêm một chút. Cho hắn hưởng sự vui