chừng thằng đó, nó trốn tài lắm”. Ôi! Thưa ngài, biết bao lần tôi phải bị gọi
giật ngược lên trong giấc ngủ êm ấm nhất, ngon lành nhất để các thông tư
do ngựa trạm chạy bay tới để nói, hay đúng hơn, chỉ để mang miếng giấy
xếp ghi như thế này: “Có gì lạ không, ông De Baisemeaux?”. Rõ ràng là
những người viết các mệnh lệnh ấy chẳng bao giờ ngủ ở ngục Bastille cả.
Ngủ ở đây thì họ sẽ biết rõ hơn mấy bức tường của tôi dày như thế nào,
nhân viên của tôi tháo vát ra sao và biết tôi tổ chức tuần tiễu nhiều đến mức
nào. Nhưng thưa ngài, công việc của họ là để quấy rầy khi tôi đang yên ổn,
để làm rối loạn khi tôi đang ngủ ngon mà. Thôi thì cứ để cho họ làm việc
của họ.
— Và cứ để ông làm việc của ông thôi. - Giám mục mỉm cười tiếp lời
vuốt ve, nhưng vẫn giữ vững cái nhìn ra lệnh như cũ.
Francois bước vào, Baisemeaux lấy tờ lệnh từ tay hắn. Ông ta bóc ra
chầm chậm và đọc từ từ. Aramis giả bộ nâng ly để nhìn người chủ nhà qua
thuỷ tinh. Đọc xong, Baisemeaux thốt lên:
— Lúc nãy tôi nói thế nào nhỉ?
— Sao?
— Lệnh khoan hồng, xin lỗi. Tin tốt lành đáng được bận tâm!
— Tốt lành cho người được nói tới và chắc cũng hợp với ông phải
không, ông chủ ngục thân mến?
— Tám giờ tối mà còn lệnh!
— Vì lòng bác ái khoan dung đấy!
— Chuyện khoan hồng thì tôi đồng ý lắm, nhưng khoan dung là để cho
thằng chó chết đang khốn đốn kia chứ không phải cho tôi đang vui như thế
này.
— Có phải ông bị mất mát gì không, có phải tên tù dứt ra khỏi tay ông
đang bị trông coi kỹ không?
— Ờ, đúng. Một thằng khiếp nhược, một con chuột cống cái, thứ đó
đáng giá có năm quan thôi?
Ngài D'Herblay hỏi:
— Cho tôi xem thử? Có phải mật không?
— Không đâu, ngài đọc đi.