Tới đây, nghe đồng hồ điểm mười một giờ, Giáo Chủ van nài xin Nhà
Vua hòa giải với Hoàng Hậu rồi cúi rạp mình xin phép được cáo lui.
Anne D’Autriche, sau khi bị lấy mất bức thư, đang đợi sự khiển trách
nào đó, bỗng hết sức ngạc nhiên thấy Nhà Vua hôm sau lân la muốn đến
gần nàng. Lúc đầu, nàng tỏ vẻ ghê tởm, sự kiêu ngạo của đàn bà, và phẩm
giá Hoàng Hậu, cả hai đều bị xúc phạm quá ư tàn nhẫn khiến nàng không
thể bình tâm trở lại ngay được, nhưng rồi bị các phu nhân tùy tùng thuyết
phục, cuối cùng nàng cũng có vẻ bắt đầu khuây đi. Nhà Vua lợi dụng ngay
cái khoảnh khắc đầu tiên của sự bình tâm trở lại ấy để nói với nàng rằng
Ngài đang tính tổ chức một dạ hội.
Dạ hội là một điều hiếm thấy đối với nàng Anne D’Autriche tội nghiệp.
Đúng như Giáo Chủ đã nghĩ trước, nghe thông báo như vậy, dấu vết cuối
cùng của những nỗi oán hờn biến mất nếu không ở trong lòng, ít ra cũng
trên nét mặt. Nàng hỏi, dạ hội định tổ chức vào ngày nào, nhưng Nhà Vua
lại trả lời về điểm này Nhà Vua cần phải thỏa thuận với Giáo Chủ đã.
Quả vậy, ngày nào Nhà Vua cũng hỏi Giáo Chủ xem nên tổ chức dạ hội
vào lúc nào, và ngày nào, Giáo Chủ cũng vin vào một cớ gì đó lần khần ấn
định.
Mười ngày như thế trôi đi.
Ngày thứ tám sau cái cảnh chúng tôi đã kể, Giáo Chủ nhận được một bức
thư dán tem Londres, bên trong chỉ có mấy dòng:
Tôi đã có những vật đó. Nhưng tôi không thể rời Londres bởi vì thiếu
tiền. Gửi cho tôi năm trăm đồng vàng. Và bốn hoặc năm ngày sau khi nhận
được tiền, tôi sẽ ở Paris.
Vẫn hôm Giáo Chủ nhận được thư đó, Nhà Vua lại hỏi ông câu hỏi
thường lệ.
Richelieu bấm đốt ngón tay và khẽ nói với mình: “Cô ta nói, bốn năm
ngày sau khi nhận được tiền, cô ta sẽ đến nơi. Tiền đi phải mất bốn năm
ngày, bốn năm ngày nữa để cô ta trở về, vị chi mất mười ngày. Bây giờ phải
tính cả phần ngược gió, những rủi ro bất ngờ, những yếu đuối của đàn bà…
cứ cho tất cả là mười hai ngày.”